Duyên tình dang dở, kẻ ở người đi

Soạn giả, nghệ sĩ Cải lương Tư Chơi, tên thật là Huỳnh Thủ Trung, sinh năm 1907 ở Bến Tre, mất năm 1964. Ông được đánh giá là một ngôi sao sáng chói của làng cải lương thập niên 1930-1950. Những vở tuồng kinh điển của soạn giả Tư Chơi kiến tạo nên nhiều tên tuổi nghệ sĩ Cải lương nổi tiếng. Ông sáng tác nhiều tuồng xã hội như: Khúc oan vô lượng, Lỡ tay trót đã nhúng chàm, Tiếng nhạn kêu sương, Tôi xin chừa, Hai mặt còn trơ, Ai là bạn chung tình, Em muốn tự do... Các tuồng hát này làm mưa làm gió trên các sân khấu Huỳnh Kỳ, Trần Đắc từ Nam chí Bắc, với những ngôi sao sân khấu Phùng Há, Năm Châu, Tư Út, Kim Thoa, Kim Hui, Tư Thạch...

Ngoài tài năng, soạn giả Tư Chơi còn được giới mộ điệu Cải lương biết đến nhiều thông qua mối tình với NSND Phùng Há. Mối tình biến một nghệ sĩ tài danh thành kẻ nát rượu, chỉ bởi hai chữ “lụy tình”. Trong một dịp may hiếm có, PV báo Đời sống & Pháp luật có dịp trò chuyện với cháu nội của nghệ sĩ Tư Chơi, nhạc sĩ Hữu Thạnh. Qua câu chuyện kể của nhạc sĩ Hữu Thạnh, một mối tình khắc cốt ghi tâm của cố soạn giả, nghệ sĩ Cải lương Tư Chơi lừng danh với NSND Phùng Há như sống lại với màu sắc đa chiều hơn.

Theo nhạc sĩ Hữu Thạnh, soạn giả Tư Chơi và NSND Phùng Há gặp nhau rồi yêu thương trong thời gian làm việc chung, diễn chung với nhau trên sân khấu. Thời gian đó, soạn giả Tư Chơi trực tiếp dạy hát cho cô đào chánh Phùng Há. Người soạn giả, nghệ sĩ Cải lương tài danh lại có tài đánh đàn như tiếng chim hót khiến cô gái mới lớn Phùng Há mến mộ và đem lòng yêu thương. “Bà bảy Phùng Há gần gũi với ông nội của tôi nên cả hai nảy sinh tình cảm. Sau đó, cả hai có tổ chức đám cưới đàng hoàng. Tuy nhiên, thời trước, người Trung Quốc rất khó khăn trong việc cho con cái cưới người Việt. Do đó, mối tình giữa hai người cũng bị gia đình bên bà Phùng Há cấm đoán, chia rẽ ghê lắm”, nhạc sĩ Hữu Thạnh nhớ lại.

Soạn giả Huỳnh Thủ Trung, tức Tư Chơi - một ngôi sao sáng chói làng cải lương thập niên 1930-1950. (Ảnh tư liệu gia đình cung cấp).

Dẫu bị cấm đoán nghiêm ngặt nhưng cả hai vẫn tổ chức được đám cưới. Ngày xưa khi đi diễn, đoàn cải lương thường đi bằng ghe nên cả hai tổ chức ở đoàn, người nhà của bà Phùng Há không hay biết. Tuy nhiên, cuộc tình ấy không được bền lâu, gia đình NSND Phùng Há phát hiện, nhất quyết bắt bà về Quảng Đông (Trung Quốc). Theo lời của nhạc sĩ Hữu Thạnh, khoảng thời gian bà Phùng Há về Trung Quốc, soạn giả Tư Chơi “như chết đi nửa đời người”. Thời điểm chia tay nhau, cả hai đều còn rất trẻ.

Mối tình khắc cốt ghi tâm

“Lúc cả hai bị chia cắt, NSND Phùng Há đã biết rành nghề hát. Do đó, khi về Quảng Đông, bà học được thêm hý kịch và vũ đạo Hồ Quảng. Khi trở về Việt Nam, bà đem những kỹ thuật này vào cải lương như một luồng sinh khí mới cho nền cải lương Việt Nam. Nhưng vẫn phải nói, NSND Phùng Há ca hay, vũ đạo tốt nhưng so về nhan sắc, bà không được đẹp lắm. Song, hào quang của thành công khiến cho bà rực rỡ và dần nguôi ngoai mối tình cảm với ông nội của tôi. Hai người chỉ có một người con gái làm sợi dây liên lạc giữa đôi bên mà thôi”, nhạc sĩ Hữu Thạnh chia sẻ.

Trong khi đó, nghe tin NSND Phùng Há trở về, soạn giả Tư Chơi luôn có phần mong ngóng. Thế nhưng, vạn vật xoay vần, người xưa cũng đã khác. Thêm phần nữa, lúc này, bên cạnh NSND Phùng Há có rất nhiều người đàn ông giàu có sẵn sàng bảo bọc cô đào hát trứ danh. Nhạc sĩ Hữu Thạnh cho biết: “Sự nguội lanh của người cũ và biết cả hai không thể quay trở lại như xưa khiến ông nội của tôi càng sầu muộn. Thế nhưng, ông vẫn liên lạc với bà nội Bảy (NSND Phùng Há) khi biết cả hai đã có đứa con chung. Ông vẫn nén nhịn nỗi lòng riêng để giúp bà rất nhiều việc, trong đó phải kể đến việc viết tuồng. Viết tuồng hết sức quan trọng, mang tính sống còn của một đoàn hát. Một đoàn hát mà không có tuồng thì không thể sống nổi”.

Vì vậy, năm 1929, dù NSND Phùng Há lấy chồng khác và soạn giả Tư Chơi cũng lấy vợ thứ hai – nghệ sĩ Kim Thoa nhưng ông vẫn viết tuồng gửi cho vợ cũ. Nhạc sĩ Hữu Thạnh kể: “Bà nội của tôi – nghệ sĩ Kim Thoa tài năng, xinh đẹp nhưng vẫn không thể lấp đầy khoảng trống, xóa nhòa được hình bóng của bà nội Bảy trong lòng ông nội. Lúc này, ông phải viết tuồng làm sao cho phù hợp với phong cách của đoàn hát Phụng Hảo và đoàn Kim Thoa. Hai đoàn này có hai phong cách khác nhau. Ông nội của tôi yêu và si mê bà Phùng Há đến độ không bao giờ, ông đi ngang hàng với bà nội Kim Thoa. Mỗi khi đi chung với nhau, thậm chí ở trong nhà, ông đi trước hoặc bà nội tôi đi trước, chứ không bao giờ đi ngang hàng với bà nội ruột của tôi”.

NSND Phùng Há (Ảnh tư liệu gia đình cung cấp).

Soạn giả Tư Chơi cũng không bao giờ tỏ ra thân mật với người vợ sau, hoặc nếu có thì cũng hiếm hoi vô cùng. Nhạc sĩ Hữu Thạnh bày tỏ: “Càng tìm hiểu tôi càng chắc chắn một điều, ông nội của tôi thương yêu bà nội Phùng Há vô cùng. Dù sống với bà nội Kim Thoa nhưng lúc nào, ông cũng nhớ bà Phùng Há. Điều này như mũi kim châm vào tim của bà nội Kim Thoa khiến bà rỉ máu, đau đớn nhưng không thể thốt ra hay oán giận. Cho nên, khi gặp một người bác sĩ quê ở Trà Vinh hết mực thương yêu, sau một thời gian đắn đo, bà nội của tôi quyết định ly hôn ông nội tôi”.

Có lẽ, nghệ sĩ Kim Thoa chọn cách ra đi vì quá hiểu việc soạn giả Tư Chơi yêu sâu đậm và không thể quên được hình ảnh của NSND Phùng Há. “Có lần ba tôi khóc và nói, do khuôn mặt ba tôi quá giống ông nội nên bà nội không thương ba nữa. Về sau, bà nội Kim Thoa của tôi sống cùng ông bác sĩ. Tuy nhiên, ông bác sĩ ấy lại vô cùng tốt bụng. Ông có phòng mạch ở đường Phan Đăng Lưu. Sau này, tất cả con cháu của tôi đau bệnh, đều được đem đến phòng mạch của ông ấy khám và chữa bệnh”, nhạc sĩ Hữu Thạnh nhớ lại.

Bình luận mối tình của người xưa, nhạc sĩ Hữu Thạnh nói: “NSND Phùng Há lạnh lùng hơn so với ông nội tôi. Ông của tôi lại là người lụy tình. Không biết có phải từ những đớn đau, ngăn cách trong chuyện tình cảm với bà Phùng Há mà ông nội tôi trở thành kẻ nát rượu. Mặc dù, ông nội từng nói, mình một lúc nào đó mình phải biết “lão lai tại tận”, khi mình già rồi phải biết dừng lại cho lớp trẻ vượt qua. Thế nhưng, khi ông vấp ngã, người đời dần quên lãng tên tuổi, cống hiến của ông dành cho sân khấu Cải lương. Họ chỉ thấy một người đàn ông say rượu chứ không thấy hoặc không muốn thấy một con người tình cảm.

Họ chỉ thấy cái trụy lạc của ông, một người đàn ông nhậu say bét nhè. Trong khi đó, mỗi sự việc đều có những lý do phía sau mà người ta chỉ nhìn và nhớ ông ấy ở giai đoạn suy sụp, chìm trong men rượu. Thậm chí, người ta nhắc đi nhắc lại câu chuyện khi có tiền, ông nội của tôi đi một lúc 2 chiếc xe kéo, xe trước thì ông ngồi, xe sau ông thuê chỉ để chở chai rượu và cây gậy của mình. Về tình cảm của ông nội đối với NSND Phùng Há, tôi cũng cảm thấy quá cứng nhắc. Thật lòng mà nói, bà nội ruột tôi không đâu có tệ. Thậm chí, trong nghề, bà còn được đánh giá cao hơn bà Phùng Há ở chỗ có nhan sắc hơn, hát tân nhạc được và nếu bà Bảy giỏi vũ đạo 10 phần thì bà nội Kim Thoa cũng giỏi 7 - 8 phần”.

Cũng may mắn cho soạn giả Tư Chơi, sau khi chia tay nghệ sĩ Kim Thoa, ông gặp được một người phụ nữ khác vô cùng đáng quý. Bà đã cưu mang, chăm sóc cho ông lúc hào quang của người nghệ sĩ lớn đã không còn.