Duyên với Bolero

Lệ Quyên được nhớ đến nhiều nhất với nhạc Bolero. Chất giọng Bắc bộ khàn khàn của cô từng khiến nhiều nhạc sĩ và khán giả tranh cãi. Song, qua bao nhiêu năm nghe những nhạc phẩm Bolero của Lệ Quyên vang lên khắp các quán cà phê cóc, trên chuyến xe khách đường dài mới thấy sự chọn lựa của cô quả thật rất thức thời và thông minh. Lệ Quyên bắt đầu với dòng nhạc Bolero vào năm 2010 sau khi đã thành danh với dòng nhạc Pop qua các album Giấc mơ có thật, Như giấc chiêm bao...

Nhìn lại 15 ca hát của mình, Lệ Quyên cũng thấy việc chuyển sang hát Bolero là quyết định đúng đắn, mang tính chiến lược cho sự nghiệp của mình. Vào thời điểm 2010, sau thời gian cực thịnh, nhạc Pop đã bắt đầu nhạt nhòa, giới nghệ sĩ cũng loay hoay tìm chất liệu mới. Ngay lúc đó, Lệ Quyên gần như là nghệ sĩ trẻ đầu tiên đón đầu thị trường nhạc Bolero với các dự án lớn sau giai đoạn thăm dò khá tích cực. Từ album Khúc tình xưa với 12 ca khúc của các nhạc sỹ như Nhật Trường, Y Vân, Anh Bằng, Nguyễn Ánh 9..., đã có người gọi Lệ Quyên là nữ hoàng nhạc Bolero.

Và từ đó, các album sau của Lệ Quyên đều được chờ đợi. Giọng hát của cô vang lên khắp phố phường, từ trí thức tới giới bình dân, từ các phòng trà đến nghe nhạc trên xe ô tô đã giúp Lệ Quyên thực sự thành công trong việc mang Bolero trở lại với khán giả miền Bắc. Các nhạc sĩ đều khẳng định, giọng của Lệ Quyên khá đẹp, dày, xốp, nhưng không trong trẻo như hình mẫu diva mà ẩn trong đó là chất khàn đặc trưng. Đó có thể là rào cản để cô tiếp cận dòng nhạc chính thống hoặc nhạc cổ điển. Nhưng chính điều ấy lại là điều kiện, tiền đề tuyệt vời và hoàn hảo để Lệ Quyên chinh phục nhạc Bolero, thể loại âm nhạc cần có độ từng trải nhất định qua cảm xúc.

Mỗi khi cất tiếng hát, chất giọng của nữ ca sĩ khiến khán giả nhận ra ngay với độ khàn và rè, màu sắc hơi tối tạo cảm giác u buồn, tâm trạng. Vì thế, Lệ Quyên không phải xử lý quá nhiều khi hát Bolero, cô hát như là chính mình, dành cho mình. Cộng thêm các nốt trầm khá dày, khiến cho ca khúc như đầm hơn, có sức nặng hơn. Lệ Quyên cũng cho rằng: “Nghệ thuật cần sự sáng tạo nhưng sáng tạo không đúng sẽ ảnh hưởng đến chính hình ảnh và sự nghiệp của các bạn.Với Bolero, không phải là bạn hát hay hay hát dở mà quan trọng là phải có Bolero trong huyết quản của mình”.

“Bản thân tôi khi hát Bolero rất khác so với những đàn chị đi trước. Phải khác biệt mới có cơ hội thành công. Nếu cứ hát theo lối cũ, chắc chắn lớp đi sau sẽ không được như những tên tuổi gạo cội. Trong nghệ thuật, chúng ta cần sự khác biệt, không nhiều thì ít”, Lệ Quyên nói.

Nhạc tình rực rỡ

Công bằng mà nói, Lệ Quyên thuộc top các ca sĩ vừa có thanh vừa có sắc toàn vẹn ở Việt Nam. Lệ Quyên đẹp với cái đẹp mềm mại, nữ tính hiếm có. Khuôn mặt đậm chất hoài cổ, lãng mạn như bước ra từ những thập niên 90 với đôi mắt nhỏ mơ màng, khuôn miệng trái tim hờ hững, bâng khuâng. Từng điệu bộ, cử chỉ của nữ ca sĩ như thấm đẫm sự ngọt ngào, lãng mạn mà không phải ai cũng có được. Nhất là khi đứng cạnh với các ca sĩ nam, Lệ Quyên lại càng toát lên lên sự hấp dẫn với thần thái sang trọng, cao quý. Tuy nhiên cái đáng yêu nhất của Lệ Quyên là khi bước ra khỏi không gian của bài hát, cô lại rất tươi tắn, rạng rỡ, hồn nhiên như trẻ thơ khi giao lưu với khán giả.

Yêu nhạc xưa, Lệ Quyên luôn dành cho nhạc xưa một thái độ nghiêm cẩn và tôn trọng. Cô là người đầu tiên thực sự nghĩ đến viêc tìm tòi, nghiên cứu một cách nghiêm túc và cam kết hát đúng lời các ca khúc Không tên của Vũ Thành An, một số ca khúc dù chỉ sai 1, 2 chữ nhưng cũng ngốn của nữ ca sĩ một khoảng thời gian không nhỏ từ nửa năm đến một năm. Các ca khúc nhạc xưa khác do cô thể hiện cũng hầu như chưa bao giờ hát sai lời, dù rằng đặc điểm của nhạc xưa, nhạc Bolero có tính chất là rất hay sai lời do thường bị thất lạc bản ghi âm gốc hoặc tam sao thất bản do lưu truyền từ nhiều thế hệ.

Lệ Quyên chia sẻ: "Bolero với người Việt cũng giống như phở. Đó là những ca khúc mà ai cũng có thể hát, ai cũng thuộc, đó là kỷ niệm, đó là những điều đau đáu trong tim mỗi người. Phải rất thận trọng nếu muốn thử sức với dòng nhạc này”. Lệ Quyên trân trọng từng ca khúc mình hát, cũng trân trọng các nhạc sĩ đã sáng tác các ca khúc đó, đó là thái độ rất đáng trân trọng.

Nét sống này vận vào chính âm nhạc của Lệ Quyên khi có người nói cô là người chuyên hát nhạc tình buồn. “Khi nghe tôi hát nhạc tình, mọi người như được tâm sự, chia sẻ thật nhiều. Tôi nhạy cảm và cũng rất đa cảm nữa, nên dù lúc vui vẻ bên ngoài thì ẩn sâu bên trong tôi vẫn có rất nhiều suy tư. Chính điều này khiến tôi hợp hơn với những tâm sự buồn trong ca khúc”, nữ ca sĩ cho hay.

Dù Lệ Quyên không nhận nhưng người ta vẫn gọi cô là nữ hoàng phòng trà.  Vì giọng của Lệ Quyên khi ở những không gian vừa đủ như phòng trà, cô đứng đó hát, cách người nghe chưa đầy mấy chục bước chân thì mới cảm nhận hết được cái ma lực, ám ảnh của giọng hát Lệ Quyên. “Tôi mất 15 năm để rực rỡ được 5 năm, và có lẽ còn tiếp tục rực rỡ nếu tôi lao động nghiêm túc và giữ được tình yêu của khán giả. Mỗi người có một phước phần khác nhau, nhìn vào cuộc đời. Sóng gió không tự nhiên mà có, nhưng bình yên cũng là một lựa chọn. Tôi thì dù thế nào cũng vẫn luôn luôn giữ sự bình yên, dù mình có đang đứng ở đâu thì vẫn cần bình yên cho tâm hồn. Bình yên cũng là cách để giữ sự miệt mài cho nghệ thuật và làm việc hăng say nhất”, Lệ Quyên tâm sự.