Hai bệnh nhân nặng trẻ tuổi

Trong số các bệnh nhân nguy kịch, có 2 ca phải đặt ECMO (tim phổi nhân tạo) và 9 ca phải thở máy, điều trị hồi sức tích cực. Hầu hết các bệnh nhân này đều có bệnh lý nền phức tạp như ung thư, suy thận giai đoạn cuối, chạy thận chu kỳ đã nhiều năm, tăng huyết áp...

Đặc biệt, trong số hơn 10 bệnh nhân nặng được hội chẩn chiều nay, có 2 trường hợp trẻ tuổi. Bệnh nhân 758, 36 tuổi, quê ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Đây là bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, thẩm phân phúc mạc 12 năm, tăng huyết áp, vào Bệnh viện Đà Nẵng ngày 29/6 vì dịch lọc đục, điều trị ở khoa Thận - Nội tiết. Bệnh nhân được xác định dương tính SARS-CoV-2 ngày 7/8. Lúc này, bệnh nhân đã phải thở oxy qua mặt nạ. Ngày 12/8, bệnh nhân được lọc màng bụng nhưng không hiệu quả, được đặt catheter.

Hiện, bệnh nhân 758 sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm phổi do COVID-19, suy thận mạn lọc màng bụng, tăng huyết áp, suy tim, thể trạng suy kiệt. Bệnh nhân còn sốt cao liên tục. “Bệnh nhân đang được dùng liều vận mạch rất cao, tất cả loại thuốc được chỉ định nhưng không đáp ứng. Nguy cơ tử vong của bệnh nhân rất gần” - đại diện Bệnh viện dã chiến Hòa Vang - nơi bệnh nhân đang điều trị, nhận định.

Từ điểm cầu Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu cho biết, tình trạng của bệnh nhân rất nặng, nguy cơ xấu. Các biện pháp như tối ưu hóa kháng sinh, thở máy, thông khí đã triển khai nhưng không đạt được mục tiêu. Ngoài ra, vấn đề dinh dưỡng cho người đàn ông 36 tuổi này cũng rất nan giải vì bệnh nhân suy kiệt.

Trường hợp trẻ tuổi thứ 2 là bệnh nhân 996, nam giới, 28 tuổi, quê xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Bác sĩ Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy tăng cường cho Đà Nẵng) cho hay, nam thanh niên này bị ung thư tủy bào, tiền sử bệnh bạch cầu cấp. Trước đó, từ ngày 3-4/8, bệnh nhân điều trị bạch cầu cấp tại Bệnh viện Đà Nẵng rồi chuyển sang Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cho tới khi phát hiện ra COVID-19 và chuyển sang Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Sau đó, bệnh nhân bắt đầu khó thở. Hiện, bệnh nhân bị viêm phổi nặng do SARS- CoV-2. Dù trong những ngày gần đây, phổi của nam thanh niên này có tiến triển, cải thiện hơn một chút nhưng tiên lượng bệnh nhân vẫn rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Các bác sĩ vẫn cho bệnh nhân thở máy, lọc máu liên tục.

Hiện nay có 14 ca bệnh tiến triển nặng lên, 11 ca tiên lượng rất nặng và 4 trường hợp tiên lượng tử vong.

Những ca nặng nhất Hà Nội tiến triển bất ngờ

Về những ca nặng đang điều trị tại Hà Nội, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, bệnh nhân 812 (nam, 63 tuổi, nhân viên giao pizza tại cửa hàng số 106 Trần Thái Tông) hiện đã được rút ống nội khí quản và chuyển sang thở oxy qua gọng kính. Các bác sĩ đánh giá bệnh nhân dù đã tiến triển tốt hơn nhưng vẫn nặng.

Đây là ca COVID-19 từng được hội đồng chuyên môn điều trị COVID-19 đánh giá, tiên lượng rất nặng, phải thở máy xâm nhập do có rất nhiều tổn thương ở phổi. Bệnh nhân nhanh chóng được cho thở oxy dòng cao, tuy nhiên không đáp ứng vì sau quá trình thở gắng sức, bệnh nhân có biểu hiện liệt cơ. Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, hỗ trợ thở máy. Đến nay, tình trạng tương đối ổn, đã ăn uống được, ngủ tốt, tình trạng nhiễm trùng có xu hướng giảm, phổi tiến triển tốt hơn. Bệnh nhân đã có một lần chuyển âm tính với SARS-CoV-2.

Trường hợp thứ 2 phát hiện mắc COVID-19 ở Hà Nội, từng có diễn biến nặng là bệnh nhân 867 (nam 63 tuổi, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương). Hiện bệnh nhân đã dừng thở oxy, thở khí phòng, thoát khỏi tình trạng nặng. Bệnh nhân ăn uống tốt, ngủ tốt, không sốt, phổi có xu hướng tốt lên.

Hiện tình trạng nặng hơn cả là bệnh nhân 793 (58 tuổi, quê Bắc Giang), vào viện hôm 5/8. Tổn thương phổi của bệnh nhân này nặng và phức tạp hơn. Bệnh nhân còn bội nhiễm thêm các vi khuẩn, nấm. Sáng 25/8, bệnh nhân đã phải lọc máu. Hiện người đàn ông 58 tuổi này đang điều trị kháng sinh, bổ sung thuốc kháng virus. Các bác sĩ đang cấy vi khuẩn, cấy nấm để tìm nguyên nhân, căn nguyên.

GS.TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng cho biết, hiện vẫn còn nhiều bệnh nhân nặng, các chuyên gia đang nỗ lực hết mình để cứu sinh mạng các bệnh nhân này. Không chỉ hội chẩn trực tuyến, các chuyên gia, bác sĩ hàng giờ, hàng ngày đều trao đổi, cập nhật tình trạng bệnh nhân, liên tục “hội chẩn” bằng điện thoại. Theo GS Bình, không có công thức điều trị cho các bệnh nhân mà mỗi bệnh nhân cần căn cứ vào tình hình thực tế để điều chỉnh việc sử dụng thuốc và các chỉ định lâm sàng, cận lâm sàng.

Theo Tiền phong