Giấc mơ kỳ dị
Nằm ngay góc cua của con đường thoai thoải dốc thuộc phường Trường Thọ (quận Thủ Đức, TP.HCM), ngôi miếu nhỏ khiến khách vãng lai tò mò bởi sở hữu cơ man nào là tượng Thần tài, Thổ địa. Các tượng thờ tại đây đủ mọi kích thước, màu sắc, chất liệu, … được xếp gọn gàng từ trên kệ, trang thờ đến dưới nền đất. Tượng nhiều đến nỗi, mái che của ngôi miếu vừa được gia đình người quản lý nới rộng cũng không đủ che nắng, che mưa cho các tượng mới được đem về gần đây. Một chiều tháng 9 mưa tầm tã, PV ghé lại ngôi miếu, nơi sớm trở thành địa điểm nổi tiếng bậc nhất phường Trường Thọ. Tại đây chỉ có một cụ già nằm đung đưa trên chiếc võng dù.
Hỏi ra mới biết, ông chính là ông Nguyễn Văn Hai (86 tuổi), người lập ra ngôi miếu, chủ sở hữu của hàng ngàn pho tượng thờ nói trên. Ông Hai cho biết, những pho tượng thờ của miếu đều do ông nhặt ngoài đường. Ông bắt đầu công việc trên từ khi còn là một anh trung niên chạy xe ba gác kiếm sống. Ông nói: “Lúc còn chạy xe ba gác, sáng nào tôi cũng thấy người ta vứt tượng ông Địa, Thần Tài ngay góc đường này. Thấy thế tôi nhặt vào thờ. Hình như mảnh đất này có duyên nợ với ông Địa nên người ta cứ đến đây bỏ. Tôi cũng không biết nguyên nhân vì sao”.
Cũng theo ông, thời điểm đó, mỗi sáng, khi ông mở cửa là đã thấy có tượng bị ai đó bỏ chỏng chơ nơi góc đường thuộc phần đất của mình. Và, ông lại lượm đem vào trong thờ. “Đến giờ, tôi cũng không nhớ nổi mình nhặt tượng đầu tiên vào năm nào nữa. Chỉ nhớ là khi tôi còn chạy xe ba gác, một lần, thấy người ta bỏ nhiều quá, họ bỏ tượng luôn ra ngoài đường nên tôi lập cái miếu ngay tại góc đường này để có nơi tập trung, thờ các tượng bị bỏ. Mỗi sáng, tôi lại ghé miếu quét dọn sạch sẽ, thắp nhang rồi mới đánh xe đi làm. Chiều tôi cũng ghé miếu để gom thêm các tượng bị người ta bỏ vào miếu, thắp nhang rồi mới về nhà”, ông Hai nói thêm.
Ông kể, ông đã đeo mang công việc này được hơn 30 năm. Chừng ấy năm khiến số tượng được ông nhặt về đã vượt qua con số hàng ngàn. Theo quan sát của PV, khuôn viên miếu có vô vàn tượng thờ như: tượng Phật Di Lặc, Quan Thế Âm, Quan Công,… Tuy nhiên, chiếm đa số vẫn là tượng Thần Tài, Thổ Địa. Về chuyện này, ông nói: “Trước đây, người ta thường bỏ tượng Thần tài, Thổ địa. Mà tôi có duyên với ông Địa hay sao ấy. Lúc đầu, tôi nhặt tượng ông Địa vì thấy rằng, ông rất linh thiêng, ông đưa đường dẫn lối cho mình làm ăn. Hơn nữa, tôi thấy tượng ông Địa, Thần Tài ở nhà mình được thờ cúng, trân trọng, còn ở đây, tượng bị người ta bỏ lăn lóc, phơi mưa phơi nắng nên thấy lòng không đành”.
“Do đó, khi thấy người ta bỏ Ông lăn lóc ngoài đường tôi thấy thương nên đem vô thờ. Tuy nhiên, sau này, tôi nhớ ra câu chuyện của nhiều năm về trước. Thời còn chiến tranh, tôi có một giấc mơ kỳ lạ liên quan đến ông Địa. Nhờ giấc mơ đó, tôi mới còn sống đến bây giờ. Hồi đó, tôi chưa lên đây ở mà ở ngã ba Đại Hàn (đoạn Quốc lộ 1A, từ ngã ba Thủ Đức - ngã ba An Lạc của quận Bình Tân, TP.HCM - PV) để chạy xe ba gác chở hàng. Lúc này, tôi thường mắc võng vào cây mà ngủ đợi xe ô tô đem hàng đến. Một lần, tôi ngủ thì mơ thấy ông Địa hiện lên đuổi tôi đi. Tôi nghe rất rõ ông nói: “Tao nói mày đi. Mày không được đây”. Thấy lạ, tôi đành rời đi, xuống bến Cát Lái chở hàng. Tôi đi được ít hôm thì thấy giặc thả bom đúng vào cái bến ấy. Bao nhiêu người trong đội xe ba gác ở đây đều chết cả chỉ một mình tôi sống. Từ đó, tôi nghĩ mình có duyên với ông Địa”, ông Hai thông tin thêm.
Địa điểm linh thiêng
Sau này, khi ông chuyển đến phường Trường Thọ sinh sống, con cái ông mở cửa hàng bán than, vựa cát, gia đình ông mới thờ Thần Tài, Thổ Địa. Tuy nhiên, một lần nữa, ông cảm thấy “mình có duyên với ông Địa”. Bởi như lời ông nói, ông không hiểu vì sao, người dân không đem các tượng này đến nơi khác bỏ mà chỉ đến phần đất của ông vứt chỏng chơ. Không đành lòng nhìn tượng phơi nắng, phơi mưa, ông lại đem vào miếu. Đối với các tượng còn nguyên vẹn, ông lau chùi, tắm rữa kỹ rồi để lên trang thờ. Các tượng bị sứt mẻ, gãy, … nếu được, ông đều dùng keo dán, gắn lại cho liền lạc rồi mới đem thờ. Trường hợp các tượng bể nát, không thể sửa chữa, ông gom vào một thùng riêng hoặc đem chôn trong một ngôi mộ tập thể phía sau miếu. Ông nói, ngôi mộ chung ấy đến nay cũng chật kín rồi.
Từ lúc ông nhặt tượng đến nay, hầu như ngày nào cũng có người đem tượng đến bỏ. Nhiều ngày, có đến 3-4 người đem tượng đến bỏ. Hôm PV đến, ngay trước cửa miếu cũng xuất hiện 2 trang thờ Thần Tài, Thổ địa bằng xi măng bị ai đó vứt bỏ. Ông Hai nói, từ sáng, ông đã thấy rồi. Có lẽ người dân vừa đem đến vứt từ tối hôm trước. Tuy nhiên, do ông vừa bị đột quỵ, sức khỏe lại yếu nên chưa đem vào miếu được. Qua tìm hiểu, PV được biết, ông Hai không chỉ đơn thuần nhặt tượng về lau chùi rồi cất giữ trong miếu.
Hơn thế, ông tự bỏ tiền dưỡng già của mình ra để mua nhang, lễ vật để thờ, cúng các tượng này. Ông nói: “Vừa rồi, tôi tuổi già sức yếu lại thêm một lần đột quỵ nên không thể tự mình quét dọn, nhang khói các tượng đã nhặt. Thế nên, tôi phải thuê người thay mình sớm hôm quét tước, dọn dẹp miếu thờ. Công việc này trở nên cực nhọc vào những ngày rằm. Vào những ngày này, chị được tôi thuê phải thay tôi tắm rửa cho hơn ngàn bức tượng trong miếu”
Cũng theo ông, ngôi miếu này hết sức linh thiêng và ông từng chứng kiến 4 người bị trừng phạt khi đã mạo phạm miếu, bất kính với các bức tượng thờ tại đây. Ông kể: “Người đầu tiên cũng ở trong xóm này. Thấy tôi lập miếu, thờ tượng nên nó đến gây sự, phá miếu. Có lần, nó đạp xe tôi lọt xuống mương rồi đòi tôi phải mua vịt cho nó ăn. Sau này, người này tự dưng bị tai nạn qua đời. Người thứ hai hay rượu chè. Rượu vào thường làm bậy. Một lần anh ta đến miếu, đem tượng bà Chúa xứ ra quăng đi rồi đập phá đồ trong miếu. Sau lần đó, anh ta gặp bạo bệnh triền miên cho đến lúc chết. Người thứ ba tên T., có nhà gần đây thì đập nát tượng Phật bà Quan âm”.
Theo ông, bức tượng phật bà này bị gãy phần tay nên người thờ cũ đem đến chỗ ông vứt bỏ. Khi ông thấy, tượng đã phơi mưa phơi nắng nhiều ngày. Sau đó, ông đem vào miếu, dùng keo dán sắt, dán phần tay bị gãy của tượng lại rồi đặt lên kệ cao nhang khói. “Dán và thắp nhang xong, tôi về nhà. Khi quay trở lại, tôi thấy tượng bị T. đập nát. Mấy ngày sau, tôi nghe tin T. tự sát mà không rõ nguyên nhân”, ông kể thêm. Người cuối cùng khi đi ngang qua miếu, thấy ông đang quét dọn thì chỉ, tay văng tục, chửi ông là “thằng đạo đức giả”. Vì không muốn ồn ào, ông không đáp lại, chỉ lặng lẳng lặng thắp nhang rồi ra về. Mấy ngày sau, ông lại nghe người này cũng tự tìm đến cái chết bằng cách quyên sinh.
Sau những thông tin nửa thực nửa hư ấy, không còn một ai dám đến miếu phá phách hay chửi bới nữa. Ngược lại, ngôi miếu tồi tàn, ngập tràn tượng thần tài, thổ địa nổi tiếng linh thiêng. Mặc dù là số ít nhưng cũng có người đến miếu tìm ông để xin thỉnh tượng Thần tài, Thổ địa tại đây về thờ. Ông nói, họ đến xin ông để được thỉnh tượng về thờ cúng, cầu xin tài lộc trong việc buôn bán. Những lúc như vậy, ông đều vui vẻ chấp thuận.
H.N