Chúng tôi vừa qua cầu Cao Lãnh và rẽ vào Tỉnh lộ 849 đến cầu Hùng Cường chợt hiện ra con đường mới tráng nhựa dẫn vào Khu Du lịch Văn hoá Phương Nam, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Đồng Tháp. Nơi đây còn có một công trình kiến trúc đồ sộ và uy nghiêm: Nam Phương Linh Từ.
 Choáng ngợp với công trình kiến trúc rộng 5 ha
Hình ảnh bắt mắt đầu tiên là chiếc cầu ngói Nam Phương -  một kiến trúc đẹp hiếm có ở miền Tây Nam Bộ, dẫn chúng tôi vào tham quan quần thể công trình Nam Phương Linh Từ (thờ cúng các vị tiền nhân đã có công khai phá vùng đất Phương Nam) và Đặng Tộc Nam Phương Linh Từ (thờ cúng tổ tiên họ Đặng)…


Cảm giác đầu tiên của chúng tôi khi mới đặt chân đến đây là… choáng ngợp! Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cả quần thể công trình rộng trên 5ha. Công trình chính được bao bọc bởi 2 cổng Đông và Tây. Mới chạm cổng đã thấy sừng sững những chiếc cột “khủng” bằng gỗ căm xe với đường kính 1 mét (có đến 16 cây cột như vậy, ở Việt Nam hiện nay hầu như không thể tìm đâu ra những cây cột như thế!). Tuy nhiên điều gây ấn tượng nhất cho chúng tôi là dãy trường lang (hàng lang dài) có mái che lợp ngói với những cột gỗ thuộc hàng danh mộc lên nước đỏ au, đứng xếp hàng, sâu hun hút… ngỡ như trong từng cột gỗ cũng có linh hồn, đứng xếp hàng chào đón du khách thập phương đến chiêm bái. Trường lang được dựng sát tường rào, bao bọc bốn chung quanh công trình chính (trường lang dài tổng cộng 675m, với 240 cột gỗ). Đoạn giữa trường lang Bắc và Nam có cầu thang đưa lên lầu trổ cửa sổ, ở đây du khách có thể ngắm toàn cảnh khu đền. Trường lang là một trong năm công trình chính của quần thể kiến trúc nơi đây. Bốn công trình kia nằm lọt giữa 4 dãy trường lang, xếp theo hình chữ U vuông góc đối diện với cổng chính mà cạnh đáy là 2 công trình nằm song song, đối lưng nhau gồm: Đặng Tộc Nam Phương Linh Từ (diện tích 644m2, có 80 cột gỗ đường kính 0,45m, những cột cao nhất đến 8,6m) và Nam Phương Linh Từ (diện tích 509m2, có 60 cột gỗ). Nằm chếch hai bên tả hữu của Đặng Tộc Nam Phương Linh Từ là Bảo tàng họ Đặng và Bảo tàng Nam Bộ (diện tích mỗi nhà là 1.680m2, có 80 cột gỗ trong mỗi nhà). Như vậy, toàn công trình có 540 cột gỗ có đường kính từ 0,45m đến 1m - những con số… đáng kể! 
Ông Đặng Nguyễn Thi - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Đặng tộc tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Ông nhận được sự ủy thác của doanh nhân Đặng Phước Thành (chủ đầu tư công trình này) đã giới thiệu với chúng tôi về quá trình xây dựng và thờ phương đền thờ này. Được khởi công vào ngày 30/10/2009 với hơn 50 nghệ nhân từ Huế vào và các công nhân địa phương, đằng đẵng hơn 5 năm lao động miệt mài, họ đã đào đắp, san lấp hơn 100.000m3 đất, sử dụng trên 7.000m3 gỗ (nguyên liệu gỗ được nhập từ các nước Nam Mỹ và Đông Nam Á). Đáng ngạc nhiên là do đường sá hiểm trở nên tất cả các nguyên vật liệu để xây dựng (trong đó có những cột gỗ “khủng”) đều được vận chuyển bằng sà lan, theo một con rạch rất hẹp chảy qua trước đền thờ… Các công trình đều được xây dựng theo phong cách kiến trúc nhà Rường Huế, mang đậm dấu ấn triều Nguyễn pha lẫn kiểu nhà truyền thống Nam Bộ.
Nam Phương Linh Từ
Nam Phương Linh Từ có diện tích 509m2 với 60 cây cột. Đền có 7 gian, 2 chái, 3 lòng với mái hạ hàng hiên bao quanh. Là nơi tôn vinh, tri ân và phụng thờ các vị tiền nhân đã có công khai mở và làm rạng danh vùng đất phương Nam của tổ quốc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Tuy nhiên, do bối cảnh lịch sử, các vương triều phong kiến nối tiếp hoặc chồng lấn cho nhau, vừa phong phú, đa dạng, nhưng cũng rất nhạy cảm và không kém phần phức tạp. Cho nên, để luôn có sự đồng thuận, thuyết phục chung của xã hội về số lượng và công trạng từng nhân vật được tôn vinh, ngưỡng vọng nơi đây, doanh nhân Đặng Phước Thành đã tham vấn và trân trọng mời các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ về Khoa học Lịch sử, về Hán Nôm, các nhà nghiên cứu, những người am hiểu về lịch sử Nam Bộ tham gia chuẩn bị quá trình này… Được sự cố vấn của Nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; dưới sự chủ trì của Nhà báo Nguyễn Hạnh, - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Xưa và Nay (Cơ quan của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam), qua nhiều buổi làm việc, Ban Cố vấn đề án đã bàn bạc, hội thảo, phản biện cân nhắc thận trọng, trên quan điểm tôn trọng sự thật khách quan của lịch sử trong mối quan hệ đa dạng, phức tạp, nhiều chiều theo tiến trình lịch sự của dân tộc, nhằm xác định luận lý và tiêu chí chọn lựa về mốc thời điểm tồn tại và cống hiến của từng nhân vật một cách xác đáng nhất.


Lấy mốc thời điểm từ khi mở cõi đến năm 1975, và chia thành 3 lĩnh vực. Bước đầu, Ban Cố vấn chọn được 125 nhân vật (đã mất trước 1975). Trong đó lĩnh vực có công thời khai mở có 21 nhân vật, lĩnh vực gìn giữ có 62 nhân vật và làm rạng danh vùng đất phương Nam có 42 nhân vật. Do vậy, ở đây thờ từ Chúa Nguyễn Phúc Chu (Chúa Sãi, 1563-1635) với các danh thần thời mở cõi như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Cửu Vân, rồi các danh thần gốc Minh hương như Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu… vua Quang Trung Nguyễn Huệ và vua Gia Long Nguyễn Ánh cũng “chung một mái đền” dù lịch sử của hai nhân vật này còn nhiều luồng ý kiến khác nhau. Rồi các sĩ phu thời Cần Vương, Văn thân chống Pháp, các liệt sĩ thời chống Pháp và Mỹ, các chức sắc tôn giáo (Sư Thiện Chiếu, Phạm Công Tắc, Huỳnh Phú Sổ..), các nghệ sĩ (Trần Hữu Trang, Năm Phỉ..), các nhà văn - nhà thơ (Sương Nguyệt Anh, Hồ Biểu Chánh, Đông Hồ..) và cả nhà tình báo (Phạm Ngọc Thảo)…
Được sự hỗ trợ của các nhà điêu khắc từ Công ty Mỹ thuật Trung ương, ngày 01/11/2014, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Tạp chí Xưa và Nay - cơ quan chủ trì chương trình “Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân” - đã trân trọng tổ chức lễ đúc tượng đồng chân dung 21 nhân vật có công thời khai mở vùng đất mới để thờ tự ở Nam Phương Linh Từ… Các tượng này đã được tổ chức nghi thức “khai quang, điểm nhãn” và lễ an vị hoàn thành vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 2015.
Đặng Tộc Nam Phương Linh Từ
Là nơi thờ cúng các nhân vật họ Đặng. Ở chính diện là pho tượng đồng nặng trên 1 tấn thể hiện chân dung tiên hiền Đặng Nghiêm (1170-1236), ông đỗ Tiến sĩ năm 15 tuổi, thời Lý Cao Tông, được vào cung giảng sách hầu Vua, làm quan đến chức Công bộ Thị lang… Sau này, các danh tướng đời Hậu Trần là cha con Quốc công Đặng Tất và Tể tướng Đặng Dung đều là hậu duệ của ông.


Cũng thờ ở chính diện, sau cụ Đặng Nghiêm là tượng Thủy sư Đô đốc Đặng Nhân Cẩm (1744-1820), chính là ông tổ của họ Đặng phía Nam. Ông người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), có bà cô ruột tên Đặng Thị Dương là thứ thất của cụ Nguyễn Nghiễm (cha đẻ thi hào Nguyễn Du) ở làng Tiên Điền cùng huyện. Cả hai dòng họ đều đỗ đạt khoa bảng nên dân gian có câu “Đặng Uy Viễn, Nguyễn Tiên Điền”. Gặp thời buổi nhiễu nhương, ông Đặng Nhân Cẩm theo phò Chúa Nguyễn Ánh rồi vào tận vùng đất phương Nam. Trải bao trận mạc được Chúa Nguyễn (Gia Long) tin dùng cất nhắc lên đến chức Thủy sư Đô đốc (tương đương Tư lệnh Hải quân bây giờ)… Sau khi mãn phần, ông được an táng tại phần đất nay thuộc xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp)…
Sau gần 200 năm, dưới sự tác động của thiên nhiên và bom đạn của chiến tranh, bia mộ của ông bị vỡ ra nhiều mảnh. Kỳ diệu thay, khi người ta tìm thấy, ghép các mảnh vỡ lại, vẫn đọc được tên và xuất xứ của ông. Con cháu họ Đặng ở vùng phương Nam này theo đó mà tìm về Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và bắt gặp được bài vị của cụ Đặng Nhân Cẩm được thờ trong Thượng điện Di tích Văn hóa cấp quốc gia thờ doanh nhân Đặng Sĩ Vinh (hậu duệ đời thứ 10 của Quốc công Đặng Tất). Chân hương thờ cụ tại Nghi Xuân đã được thỉnh về thờ tại bàn thờ gia tiên của ông Đặng Văn Giếng ở rạch Nước Xoáy, xã Long Hưng A (Lấp Vò, Đồng Tháp), rồi được doanh nhân Đặng Phước Thành là hậu duệ trực hệ thỉnh về thờ tại Đặng Tộc Nam Phương Linh Từ.
Cùng được thờ trong Đặng Tộc Nam Phương Linh Từ còn có Thám hoa Đặng Ma La (1234-1285). Năm Đinh Mùi (1247) vua Trần Thái Tông cho mở khoa thi đầu tiên chọn đủ tam khôi: Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa. Khoa này, Nguyễn Hiền (12 tuổi, đỗ Trạng Nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng Nhãn và Đặng La Ma (13 tuổi) đậu Thám Hoa. Tiếp đến là bàn thờ Quốc công Đặng Tất (1357-1409) người đã giúp Giản Định Đế lập ra nhà Hậu Trần… cùng thờ nhiều bài vị khác.
Quần thể công trình này đã long trọng tiếp nhận 2 bằng Kỷ lục Việt Nam: Ngôi đền đầu tiên thờ cúng các bậc tiền nhân có công khai phá đất phương Nam và Nhà thờ tộc họ lớn nhất Việt Nam do Trung tâm Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) xác nhận và trao tặng.
Không gian làng quê Nam Bộ…
Khu Du lịch Văn hoá Phương Nam còn dành một không gian rộng cho phần hội hè qua việc tái hiện hình ảnh làng quê Nam Bộ từ cách thức sản xuất, sinh hoạt, đời sống vật chất và văn hoá tinh thần của cha ông lúc mới đến khẩn hoang, lập ấp.
Từ buổi sơ khai, khi “vạn sự khởi đầu nan”, để tồn tại cha ông ta đã biết thích nghi cách ăn ở bằng những căn nhà lá dừa đơn sơ, tự làm lò rèn, đan đát, cất vó, giăng câu.  Từ cách làm lụng trên đồng để có hạt lúa. Rồi xay lúa, giã gạo, xay bột, làm các loại bánh để cuộc sống ngày càng phong phú thành nét ẩm thực phương Nam… Khi có cuộc sống bình ổn cha ông đã xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần làng xã ngày càng phong phú và sâu sắc hơn với nhiều trò chơi dân gian, ca nhạc tài tử, hát bội….
Làng quê Nam bộ là hình ảnh thu nhỏ của một quần thể dân cư theo tiến trình lịch sử hình thành và phát triển trên vùng đất phương Nam thanh bình và trù phú, từ nhà cắm cột lợp lá dừa nước cho đến nhà ngói, nhà sàn, đình làng, sông nước …. như đưa ta trở lại cái thời mở đất.


Mở cửa từ cuối năm 2017, đến nay, Khu Du lịch Văn hoá Phương Nam đã là địa chỉ có sức thu hút, đủ tầm khơi gợi lên niềm tin - tín ngưỡng không chỉ của đồng bào Nam bộ mà là cả du khách thập phương, du khách quốc tế. Đặc biệt, thế hệ trẻ đến đây sẽ được nghiên cứu, trải nghiệm, thấu hiểu, tự hào về cội nguồn dân tộc để có hành động thiết thực tiếp nối một các xứng đáng với lịch sử và truyền thống tốt đẹp của cha ông. Đây là sức sống trăm năm, ngàn năm của công trình văn hóa - tâm linh có giá trị nghệ thuật cao về kiến trúc, mang ý nghĩa giáo dục và nhân văn sâu sắc này