Nghệ sĩ tài danh góp mặt trong các vở cải lương kinh điển được tái dựng

Gia Bảo gặp những khó khăn gì khi gửi lời mời các nghệ sĩ tài danh tham gia vào các vở diễn kinh điển trong chương trình Tài danh đất Việt nói chung và vở diễn gần đây Lan và Điệp?

Việc quy tụ dàn nghệ sĩ tài danh, gạo cuội của cải lương chắc chắn không dễ dàng, nếu không phải Bảo mà là một người khác sẽ khó làm được. Bởi, đa số vở diễn đều có nghệ sĩ hải ngoại được mời. Vấn đề xin phép cho nghệ sĩ hải ngoại hát rất khó khăn, dạo này cũng dễ hơn nhiều, chứ trước đây khó lắm.

Tài danh đất Việt là thương hiệu của chương trình, nghĩa là quy tụ những người tài danh nhất của đất nước Việt Nam. Đã là thương hiệu, tôi buộc phải làm đúng theo, bắt buộc từ vai lớn đến vai nhỏ đều phải tài danh, dù một vai diễn ra sân khấu chỉ nói một hai câu thì vẫn phải có tên tuổi, không thể nào chọn bừa, qua loa.

Nếu xác định nghệ sĩ nào hợp vai, tôi sẽ mời cho bằng được và gần như chưa bao giờ thất bại. Cách tôi làm và uy tín của chương trình khiến nhiều nghệ sĩ cải lương rất muốn làm việc với tôi.

Nhiều nghệ sĩ chủ động xin tham gia, bởi họ biết tham gia chương trình của tôi sẽ được rất nhiều thứ. Họ được làm nghệ thuật một cách đúng nghĩa, được làm việc với toàn ngôi sao, mà ngôi sao hát với nhau rất “đã”.

Nghệ sĩ Gia Bảo.

Gia Bảo đã nỗ lực ra sao để thuyết phục các nghệ sĩ gạo cuội quay trở lại sân khấu?

Tôi dùng cái tâm để thuyết phục họ. Với những nghệ sĩ lớn như cô Thanh Kim Huệ, chú Chí Tâm, Minh Vương… không có điều gì khiến họ nhận lời nếu họ không muốn làm. Tôi phải cho mọi người nhìn thấy cái tâm của mình và cũng may mắn ở những vở trước Bảo có một tiền đề quá đẹp.

Ví như, để mời được cô Thanh Kim Huệ vào vai Lan cũng gặp vô vàn khó khăn, chú Thanh Điền cho tôi số điện thoại của cô nhưng tôi không dám gọi. Bởi, tôi biết cô khó lắm. Chú Điền còn “đứng hình” khi biết tôi dự định mời cô Huệ vào vai Lan.

Tôi càng ái ngại hơn khi biết việc 45 năm nay không ai mời được NSƯT Thanh Kim Huệ đóng vai Lan. Cô từng tuyên bố không đóng vai Lan nữa. Cô nổi tiếng với vai diễn đó nhưng cô lại sợ đóng vai Lan một lần nữa.

Đến lúc quyết định buộc phải gọi, Bảo mới gọi cho cô. Bất ngờ, khi nghe Bảo mời, cô hỏi: “Nếu con làm, con làm theo kiểu nào?”. Tôi mới nói: “Dạ, con làm đúng cái bộ hồi xưa”. Vậy là, cô đồng ý và nói: “Cô biết những vở trước con làm. Cô có xem hết. Cô biết con rất tâm huyết, chứ giờ ít người làm cải lương”.

Hay như, với vở Tiếng trống Mê Linh, tôi mời NSƯT Thành Lộc 5 lần đều bị từ chối. Vậy mà, tôi vẫn lỳ mời lần thứ 6 thì chú nhận lời. Bởi, vai Tào Nguyên trong vở diễn kinh điển này cực kỳ khó tìm người. Đây là vai diễn độc lẳng hài, chứ không phải độc bình thường. Trời ơi, vai này mà một danh hài đóng sẽ bị hư luôn, bị hài luôn, còn một kép độc đóng sẽ bị độc luôn… Chỉ có chú Thành Lộc đóng thì mới ra chất độc lẳng hài mà thôi.

Hiện tại, với từng vở diễn, nghệ sĩ nào còn tôi đều cố gắng mời nhưng có nhiều người không muốn tham gia. Như vở Đời cô Lựu, khi mời NSND Lệ Thủy, cô nói, cô không muốn đóng vai Kim Anh nữa, cô lớn rồi không hợp vai nữa. Tôi tôn trọng nên mời cô Thanh Hằng.

Nối tiếp sứ mệnh của gia tộc

Tại sao Gia Bảo dồn nhiều tâm huyết cho việc dàn dựng lại những vở cải lương kinh điển?

Tôi nghĩ, tất cả như sứ mệnh của mình, tuy không dám nói cao siêu nhưng thực sự chỉ có thể hiểu như vậy. Tôi thấy rất nhiều phiên bản những vở cải lương kinh điển được phát trên Youtube đã cũ và không rõ. Thế hệ của Bảo có thể mê mà xem nhưng những bạn trẻ hơn, họ sẽ không xem. Thế hệ của các bạn ấy có quá nhiều thứ rõ đẹp thì cần gì phải xem những vở cải lương đã cũ, mờ mờ, hình ảnh không chất lượng.

Dẫu cố gắng làm mới những vở kinh điển nhưng tôi chắc chắn, không gì hoàn hảo bằng vở diễn đầu tiên. Thế nhưng, tôi yêu thích, đam mê nên cứ làm.

Tôi ước mơ làm lại được một loạt các vở kinh điển và đã làm được 5 vở: Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Nửa đời hương phấn, Đời cô Lựu, Lan và Điệp.

NSND Thanh Ngân có nói với tôi: “Ủa Bảo sao ngộ vậy, hồi chị chưa đi nước ngoài, em chỉ là một diễn viên hài, giờ chị quay lại thì thấy em làm cải lương, phải chăng đây là một sứ mệnh?”.

Có lẽ, nghiệp của gia đình vẫn còn đeo mang. Bầu Thơ chủ gánh Thanh Minh – Thanh Nga là bà cố của tôi. Lúc tôi mới 2 tháng tuổi, bà cố qua đời. Ngày mất, tay bà vẫn còn ẵm tôi. Đến chú Hữu Lộc cũng làm bầu, giờ tới tôi.

Mỗi lần làm, tôi đều tự nhủ, thôi không làm nữa, mệt quá rồi. Thế nhưng, khi bắt tay vào làm, thấy cô chú lên hóa trang, nói chuyện với nhau, tôi xúc động chịu không nổi.

Hồi dựng vở Nửa đời hương phấn, NSƯT Út Bạch Lan mới 6h chiều đã lên rạp ngồi chờ. Tôi hỏi: “Sao bà lên sớm vậy?”. Bà nói: “Bà hạnh phúc lắm con, ngày xưa bà đóng vai The đầu tiên. 60 năm sau, bà lại đóng vai mẹ của The. Bà nghĩ, bà không còn bao nhiêu đêm hát như vậy đâu, chắc nhiều khi đêm nay là đêm cuối của bà”. Tự nhiên, tôi thấy những việc mình làm có giá trị. Bảo nghĩ, Bảo không làm chắc cũng không ai làm.

: Nghệ sĩ Gia Bảo và con gái, cùng các nghệ sĩ tham gia trong vở Lan và Điệp.

Công việc của một “bầu hát” không nhẹ nhàng chút nào, áp lực từ nhiều phía. Gia Bảo đã trải qua những ngày làm bầu hát như thế nào?

Thực sự, công việc này cực kinh khủng, từ việc lớn đến việc nhỏ, tôi cũng làm, rôi lo đủ thứ, lo nghệ sĩ, lo hậu đài. Nói thiệt, hậu đài làm khó cũng rối, nhắc tuồng làm khó mình cũng rối. Phần nữa, nghệ sĩ mỗi người mỗi tính.

Với vở Lan và Điệp, các nghệ sĩ tham gia có phần dễ tính, chứ hồi làm vở Đời cô Lựu khó vô cùng. Cô Bạch Tuyết, Phượng Liên, má Ngọc Giàu tính ai cũng khó, mỗi người một cá tính khác nhau. Mời 3 người chung một vở, 3 cái khó gom lại.

Thế nhưng, ai cũng thương Gia Bảo. Bởi, tôi đối xử bằng cái tình, lo cho nghệ sĩ từng chút một. Nghệ sĩ đi tập tuồng, tôi cũng trả tiền taxi. Mỗi lần tập xong, Bảo dìu má Giàu, thằng em trai dìu chú Minh Vương, thằng Minh Dự dìu cô Phượng Liên đưa vô taxi đàng hoàng.

Có lần thấy má Giàu không ăn cơm, tôi mới hỏi, ai cũng ăn cơm sao má không ăn. Má Giàu mới nói, má ăn cơm rồi. Qua ngày hôm sau, tôi lại thấy má không ăn cơm, tôi mới nói, má nói thiệt con nghe đi. Má nói: “Nói thiệt, gạo không có ngon, cho nên má ăn sợ bỏ mứa mang tội”. Tôi mới hỏi, giờ má muốn ăn gì, má nói má muốn ăn cơm tấm Thuận Kiều. Tôi liền kêu người lấy xe chạy đi mua. Chỉ như vậy thôi nhưng người ta thương tôi vô cùng. Người ta biết: “Nó thương mình thiệt, chứ bầu ai lo mấy chuyện đó bao giờ”.

Tôi lo lắng chế độ cho mọi người rất công tâm từ ngôi sao đến hậu đài đều bằng nhau. Tất cả mọi người ăn hết mới tới tôi ăn.