Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/12/2020 được rất nhiều người quan tâm theo dõi đã          kết thúc đúng như mong chờ bằng Nghị quyết trong đó cho phép thành lập “thành phố trong thành phố” Thủ Đức. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định việc công bố sự ra đời của TP Thủ Đức là thời khắc lịch sử đối với nhân dân thành phố và cả nước.
Việc thành lập TP.Thủ Đức trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của ba quận: 2, 9 và Thủ Đức. Khi thành lập, TP.Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người.
Mười năm ấp ủ
Thủ Đức - Thành phố phía Đông chính là đề án chính quyền đô thị riêng trực thuộc chính quyền đô thị TP.HCM, vốn đã được TP.HCM ấp ủ gần 10 năm qua. 
Năm 2013, tại Kỳ họp thứ 11 HĐND TP.HCM khoá VIII đã thông qua Nghị quyết chuyên đề về Đề án thí điểm Chính quyền đô thị TP.HCM, với 4 đô thị vệ tinh  Đông - Tây - Nam - Bắc, trong đó có Thành phố phía Đông gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức. Tuy nhiên, đề án này sau đó không được thông qua, do vướng luật, Hiến pháp và quy mô đề án quá lớn, cần nhiều cơ quan tham gia. 
Khi trở về làm Bí thư Thành ủy TPHCM năm 2017, ông Nguyễn Thiện Nhân khởi xướng ý tưởng về khu đô thị sáng tạo, hướng đến xây dựng vùng Thủ Đức thành đô thị thông minh, có chất lượng sống, dựa trên nền tảng về thể chế, lợi thế kinh tế, cơ sở hạ tầng thành phố đã có, gồm khu công nghệ cao (Quận 9); làng đại học hơn 80.000 sinh viên, giảng viên (quận Thủ Đức); khu đô thị mới, trung tâm tài chính Thủ Thiêm (Quận 2). 

Ngã ba Cát Lái - Ảnh: HOÀNG HÙNG

Sau đó, Khu đô thị Sáng tạo phía Đông - Thành phố phía Đông, được Bí thư Thành ủy và chính quyền thành phố nhiều lần nhắc lại. Nhiều hội thảo về đề án này cũng liên tục tổ chức, nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, các nhà kinh tế trong và ngoài nước. Cũng năm 2018, thành phố tổ chức cuộc thi tuyển quốc tế “Ý tưởng quy hoạch phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh”, thu hút nhiều chuyên gia quốc tế tham dự. Cuối năm 2019, giải nhất được trao cho đề án của liên danh hai công ty Sasaki - enCity đến từ Mỹ và Singapore. Ý tưởng quy hoạch của đội này thì khu đô thị sẽ bao gồm 6 trọng điểm sáng tạo là Khu công nghệ cao (SHTP) với định hướng trở thành trung tâm sản xuất tự động hóa, ngôi nhà của nền công nghiệp thế kỷ 21 tại Việt Nam; Khu Đại học Quốc gia TP.HCM cung cấp một quần thể giáo dục đào tạo trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về ngành công nghệ thông tin, cùng với một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, từ đó mở rộng khả năng hợp tác liên ngành trong nghiên cứu, thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng; Khu tài chính Thủ Thiêm với tầm nhìn trở thành trung tâm công nghệ tài chính của khu vực: hạ tầng giao thông sẽ ưu tiên người đi bộ và tàu điện ngầm kết nối tất cả các khu vực quan trọng; lối đi ở bờ sông và sân các nhà thờ kết nối đường phố, thông suốt cho các hoạt động nghệ thuật, văn hóa, mua sắm; Rạch Chiếc là trung tâm thể thao và sức khỏe của Đông Nam Á: sẽ hình thành khu sản xuất đồ thể thao, các trung tâm sáng tạo, chăm sóc sức khỏe và kiến tạo một không gian rộng lớn xung quanh sân vận động để hội tụ; nhắm tới việc khai thác xu hướng ngày càng phổ biến của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và kinh doanh thể thao tại Đông Nam Á; Tam Đa là trung tâm công nghệ sinh thái và khu đô thị có khả năng chống chịu cao: là trung tâm sáng tạo trong thiết kế và vận hành công nghệ sinh thái, cũng như thúc đẩy du lịch sinh thái; những khu vườn mưa, khu trường đại học, các trục chính phát triển và khu vực ven biển ngập mặn tạo môi trường phù hợp cho đổi mới nông nghiệp cũng như du lịch sinh thái; Trường Thọ là nơi định hình như một đô thị tương lai: áp dụng những ý tưởng độc đáo và có tính cách mạng nhất về công nghệ, với tầm nhìn trở thành một mô hình cho sự tích hợp công nghệ vào đời sống thường nhật và phòng trưng bày đô thị của tương lai… Ý tưởng này sau đó được bổ sung thêm 2 khu chức năng nữa.
Tại sao phải là thành phố?
Thành phố Thủ Đức được quy hoạch gồm ba quận: 2, 9 và Thủ Đức, có quy mô lớn khoảng 22.000 ha, bằng 1/10 diện tích toàn TP.HCM. Dân số hiện nay của ba quận hơn 1 triệu người, dự kiến đóng góp 1/3 kinh tế cho thành phố. Nhưng việc hợp nhất 3 quận thành một không chỉ là phép cộng đơn giản.
Do có diện tích lớn cũng như các đóng góp, chỉ số khác, chính quyền TP.HCM cho rằng 3 quận này không thể sáp nhập thành một quận được, mà phải là thành phố, trực thuộc TP.HCM.

Ý tưởng xây dựng TP Thủ Đức trở thành Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao, trở thành hạt nhân để  dẫn đầu  và thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố và khu vực phía Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phù hợp xu hướng phát triển kinh tế tri thức của thế giới, phù hợp với chủ trương chung về phát triển kinh tế số, phát huy năng lực, đổi mới, sáng tạo của TP.HCM. TP Thủ Đức đang sở hữu nhiều tiềm năng, có thể tận dụng nguồn lực tại chỗ để phát triển theo mô hình kinh tế sáng tạo.
Theo GS.TS Nguyễn Minh Hòa (Ủy viên Hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, Trưởng bộ môn Đô thị học ĐH KHXH&NV TP.HCM) thì để thành lập được một khu đô thị sáng tạo, tương tác cao, khu vực đó cần đáp ứng được những tiêu chuẩn nhất định như giao thông thuận lợi, nhiều cây xanh, không ô nhiễm và có hạ tầng dịch vụ hoàn thiện. Có như vậy, khả năng sáng tạo mới được đáp ứng. Đây là một trong những vấn đề mà TP Thủ Đức phải phấn đấu để làm cho được.
Vì đây là lần đầu tiên Việt Nam có dự án hình thành và phát triển hẳn một thành phố lớn trực thuộc  thành phố. TP Thủ Đức được các chuyên gia, các nhà quy hoạch đánh giá là dự án chưa có tiền lệ, đầu tư hoàn toàn vốn nhà nước. TP Thủ Đức đang có 1 triệu dân và dự kiến sẽ thu hút hơn 1 triệu dân nữa, chưa kể dân vãng lai.  
Ngoài ra, cần có cơ chế đặc thù, thoáng hơn, để thu hút nhà đầu tư.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đề xuất:  Tôi cho rằng để đạt mục tiêu đóng góp trên 1/3 GDP của TP HCM như mong muốn, TP Thủ Đức cần thêm ít nhất khoảng nửa triệu dân mới. Nhưng không phải nửa triệu dân như bình thường, mà nửa triệu dân trong đó người lao động chính của hộ gia đình phải có trình độ cao, có kỹ năng, tay nghề, kiến thức và làm việc trong những ngành nghề có thu nhập cao. Con người có chất lượng chính là sự hấp dẫn về giá trị cho thành phố phía Đông - kiểu đô thị trí thức, thông minh, sáng tạo như thung lũng Silicon của Mỹ. Nếu muốn có thêm nửa triệu dân trình độ cao, nhà quản lý trước tiên phải tạo ra tương đương số lượng việc làm thu nhập cao và môi trường sống chất lượng cao tương xứng”.

Hiện nay, Quận 2 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được quy hoạch là trung tâm tài chính. Quận 9 có Khu công nghệ cao năm 2019 đã mang lại giá trị xuất khẩu khoảng 17 tỉ USD, bằng 40% xuất khẩu của TPHCM. Quận Thủ Đức sẽ giữ vai trò hạt nhân là khu đô thị đại học, gồm Đại học Quốc gia TP.HCM và hơn chục trường đại học khác, với 1.500 giảng viên trình độ tiến sĩ và 80.000 sinh viên theo nhiều chuyên ngành khách nhau.
Đây là nơi có cường độ công nghệ ứng dụng cao nhất nước; nơi có cường độ đào tạo, nghiên cứu khoa học cao nhất cả nước và cũng là nơi có khu đô thị mới, trung tâm tài chính quốc tế. Có động lực tăng trưởng khác nhau, và có chỉ số tăng trưởng tốt, dự kiến sẽ mang lại nhiều động lực phát triển.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP.HCM và các tỉnh hiện nay đang là nơi ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo, chứ không phải là nơi tạo ra chúng. Nhưng riêng TP Thủ Đức, ông tin sẽ là nơi tạo ra giải pháp công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo. Đây là bài toán mà không thể giao cho tất cả các tỉnh cùng làm. 
Theo báo cáo của Chính phủ cho thấy năm 2019, 3 quận 2, 9 và Thủ Đức phát triển với tốc độ cao, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước. Xét về quy mô, 3 quận này chỉ sau GRDP của Hà Nội, lớn hơn GRDP của tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.
Đặc biệt, TP.HCM đã lựa chọn xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao ở 3 quận này với 8 trung tâm gồm: Trung tâm tài chính gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm; trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; trung tâm đại học và khoa học công nghệ trình độ cao; trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; trung tâm công nghệ sinh thái; trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ và cảng Cát Lái; khu đô thị Trường Thọ.
Với hệ thống giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ, thuận lợi để kết nối, hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận, khu vực này được đánh giá rất thuận lợi để phát triển hệ thống mới hạ tầng đô thị, hạ tầng dịch vụ, đặc biệt là ngành logistics phân phối, vận chuyển hàng hóa bằng cách kết nối luồng vận chuyển đa phương thức bao gồm hàng hải (cụm cảng Cái Lái - Phú Hữu), đường sắt, đường bộ (cảng ICD Long Bình, bến xe miền Đông mới) và đường thủy nội địa. Sở GTVT TPHCM cho biết, trong năm 2021 sẽ đẩy nhanh tiến thi công hoàn thành các dự án trọng điểm như tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), cầu Thủ Thiêm 2, Vành đai 2 (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa),... đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và đề xuất kế hoạch đầu tư các dự án hạ tầng phục vụ phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông như xây dựng 2 cầu trên tuyến đường N2 và đường N4 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nút giao An Phú, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cát Lái,... Hệ sinh thái khởi nghiệp tại khu vực đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, có sự tham gia của nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, Khu công nghệ cao và Khu Đại học Quốc gia TP.HCM có vị trí chủ đạo, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của Khu đô thị sáng tạo. Khu công nghệ cao hiện đã thu hút thành công hơn 10 tập đoàn, công ty công nghệ vào đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao như Intel, Nidec, Jabil, Sonion, Sanofi, Nanogen, FPT, Nipro, Datalogic, Samsung... với hàm lượng giá trị tạo ra từ nghiên cứu và phát triển trong cơ cấu giá trị sản phẩm vượt gấp nhiều lần so với sản phẩm từ các khu công nghiệp cả nước. Khu Đại học Quốc gia TPHCM có cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá hiện đại, tập trung 12 trường đại học, Viện nghiên cứu, cũng là nơi thu hút nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ trên địa bàn TP.HCM mà còn kết nối với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa -  Vũng Tàu. Hiện nay, Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm chuẩn bị sẵn mặt bằng hạ tầng cho đầu tư quy mô lớn với chức năng trung tâm thương mại - tài chính quốc tế, dịch vụ và dân cư hiện đại.

Xa lộ Hà Nội - Ảnh: HOÀNG HÙNG

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, người tham gia nhóm quy hoạch xây dựng Phố Đông Thượng Hải nhận thấy Phố Đông Thượng Hải là một mô hình đã thành công rất phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đáp ứng yêu cầu phát triển tương tự TP Thủ Đức, Phố Đông của TP Thượng Hải cũng cần một quy hoạch theo tư duy kinh tế thị trường, tức là phải tạo được tiềm năng phát triển để hấp dẫn nhà đầu tư, bên cạnh đó phải có cơ chế đặc thù.
Ông cho biết “Quy hoạch xây dựng hạ tầng và nhà cửa chỉ là một phần, là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ của bài toán tổng thể. Điều kiện đủ là phải thu hút được nhân lực chất lượng cao, tạo ra sản phẩm với công nghệ cao, có giá trị chất lượng cao. Bản thân đô thị động lực sẽ làm kinh tế khu vực phát triển, đô thị phát triển theo. Ý nghĩa của một đô thị động lực không phải bên ngoài, mà phải thực chất phải nằm trong việc các khu động lực của TP Thủ Đức tạo ra được bao nhiêu công ăn việc làm có thu nhập cao, và xây dựng được đô thị đáng sống thế nào để thu hút người dân, xa hơn là tạo được nguồn thu ngân sách bao nhiêu để góp phần cho phát triển kinh tế của đất nước? Đây là vấn đề cần phải có sự hợp tác nghiên cứu và thực hiện phối hợp đa ngành. Cần chuẩn bị tốt cho các kịch bản quy hoạch phát triển thế nào, phát triển hạ tầng thế nào, phát triển kinh tế thế nào, và thu hút người dân thế nào?
Đó cũng là điều mà mọi người mong đợi 

Sau khi thành lập, TP Thủ Đức có 34 phường trên tổng số 34 đơn vị hành chính cấp xã, đạt tỷ lệ 100% và đã được công nhận là đô thị loại I. Về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, TP Thủ Đức đảm bảo đạt theo đúng quy định. Nhân sự chọn lọc để hình thành dàn lãnh đạo TP Thủ Đức được tiến hành thận trọng và đúng tiến độ. 
Ngày 22/1/2021, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM điều động và chỉ định ông Nguyễn Văn Hiếu - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Quận ủy quận 5 làm Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức.
Ông Nguyễn Văn Hiếu sinh năm 1976, quê quán Bình Định, có trình độ Cử nhân Luật, cử nhân hành chính, cao cấp lý luận chính trị. 
Cùng ngày, HĐND TP Thủ Đức đã tổ chức hội nghị lần thứ nhất để bầu các chức danh HĐND, UBND TP Thủ Đức.
Kết quả,  HĐND TP Thủ Đức đã bầu ông Nguyễn Phước Hưng - bí thư Quận ủy quận 2 - làm chủ tịch HĐND TP Thủ Đức;  bà Thái Mỹ Diện - phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức - làm phó chủ tịch HĐND TP Thủ Đức.
Ông Nguyễn Phước Hưng sinh năm 1968 có trình độ thạc sĩ xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, kỹ sư xây dựng, cao cấp lý luận chính trị. 
HĐND TP Thủ Đức đã bầu ông Hoàng Tùng - chủ tịch UBND huyện Nhà Bè - làm chủ tịch UBND TP Thủ Đức. Các ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng (43 tuổi) - phó chủ tịch UBND quận 2, ông Nguyễn Kỳ Phùng (55 tuổi) - phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ và ông Nguyễn Hữu Anh Tứ - phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức-  giữ chức phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức.
Ông Hoàng Tùng sinh năm 1980, quê quán Quảng Ngãi có trình độ kiến trúc sư, thạc sĩ quy hoạch đô thị và quy hoạch vùng, cao cấp lý luận chính trị.
Trụ sở HĐND và UBND TP Thủ Đức đặt tại trụ sở UBND quận 2 cũ (số 168 Trương Văn Bang, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2).
Trụ sở Thành ủy TP Thủ Đức đặt tại trụ sở UBND quận 9 cũ (số 2/304 Xa lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú, quận 9).
Trụ sở cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể TP Thủ Đức đặt tại trụ sở UBND quận Thủ Đức cũ (số 43 Nguyễn Văn Bá, quận Thủ Đức).