Trước khi gặp ông Phạm Quyết Chiến, thường gọi Bảy Chiến là thương binh chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải 27/7, tôi đã biết ông có một quá khứ “ác liệt”. Cả trong chiến tranh cũng như lúc về kinh doanh. Ông gửi lại một cánh tay trên chiến trường vào năm 19 tuổi. Trải qua nhiều cơ quan nhà nước rồi nghỉ việc đi làm công cho tư nhân và quyết định khởi nghiệp ở tuổi 53 là một đoạn đường không hề đơn giản.

Thăng trầm khởi nghiệp

Nhờ Liên minh HTX thành phố cho vay 100 triệu đồng để đầu tư hệ thống tổng đài làm cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động kinh doanh taxi vì vậy khi Hợp tác xã vận tải taxi 27/7 ra đời đã thu hút một số xã viên là người đã từng hành nghề taxi và quen biết ông trước đó. Ngày khai trương HTX, 17/11/2003, nhìn đội hình 50 chiếc taxi, ông rất mừng nhưng cũng lo. Lúc đó thị trường đã có vài hãng taxi rất lớn, trước ông vài tháng cũng có một hãng taxi ra đời số đầu xe cũng chỉ bằng hãng ông, nhưng xe họ đều là xe Toyota mới tinh. Cạnh tranh làm sao đây?

Thời điểm 2003, cước taxi khá cao so với thu nhập bình quân xã hội. Người đi taxi không phổ biến như hiện nay. Biết lực lương xe của mình vừa ít vừa không còn mới, ông chọn phân khúc khách hàng bình dân hơn để đưa ra mức giá cạnh tranh. Ngoài ra ông đề nghị xã viên nên mở rộng địa bàn phục vụ như nhận chở khách về tỉnh với giá thỏa thuận, thấp hơn giá đồng hồ cước. Nhưng ưu thế lớn nhất của HTX là mội thành viên đều tự điều khiển tài sản của mình, xe lăn bánh trên đường là vì miêng cơm manh áo của cá nhân gia đình mình chứ không phải khoán nộp như các hãng taxi khác. Hơn nữa, ông chú trọng đến chất lượng dịch vụ. Học hỏi từ kinh nghiệm các hãng taxi nước ngoài, ông tổ chức đào tạo lại kỹ năng chăm sóc khách hàng cho xã viên, Tân tâm – An toàn – Trung thực - Nhiệt tình – Chu đáo là những tiêu chuẩn cần có của đội ngũ lái xe HTX. Từ đó, HTX vận tải 27/7 dần có một lượng khách hàng thân thiết đông đảo. Do xã viên có thu nhập khá cao nên thu hút thêm nhiều người xin gia nhập. Đến năm 2005, HTX đã quản lý gần 2.000 xe, đóng góp được rất nhiều như tạo thêm việc làm, đóng góp ngân sách ngày càng nhiều.

Tiếng lành đồn xa, một số đối tác nước ngoài muốn liên kết hợp tác nhưng “chiếc áo cơ chế” HTX không cho phép, vì vậy năm 2007 ông phải mở thêm Công ty TNHH dịch vụ vận tải Hai Bảy Bảy để đáp ứng điều kiện kinh doanh. Tuy phải duy trì hai đơn vị một lúc, chi phí có tăng thêm, nhưng lại tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh doanh rất nhiều. Từ đó, hai đơn vị bước vào giai đoạn phát triển mạnh nhất, mặc dù sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt hơn với sự lấn át của các hãng lớn và xuất hiện thêm một số hãng taxi mới.

Để giảm áp lực cạnh tranh đó, ông quyết định mở cửa thị trường về các tỉnh lân cận, nhưng không phát triển đại trà mà có chọn lọc. Đây là một chủ trương đúng đắn, có lợi cả về thương hiệu và nâng cao năng suất hoạt động của phương tiện, tăng doanh thu. Ngoài ra, ông cũng bắt đầu đầu tư xe tải và xe đầu kéo phục vụ vận chuyển nông thủy hải sản cho các nhà máy chế biến xuất khẩu.

Nhờ có lợi nhuận, ông động viên xã viên tái đầu tư. Đến năm 2010 trên 90% trong 3.000 xe là xe đời mới. HTX và công ty cũng đầu tư hiện đại hóa hệ thống bộ đàm phủ kín mạng lưới tại khu vực TP.HCM và các tỉnh có taxi hoạt động.

Sự xuất hiện của taxi công nghệ năm 2014 đã đẩy taxi truyền thống vào thời kỳ khó khăn chưa từng có. Sử dụng công nghệ gọi xe mới mẻ, sức hút hấp dẫn cho khách hàng với giá cước rẻ và những đợt khuyến mãi liên tục, taxi công nghệ còn hút lái xe về bằng chính sách ưu đãi hậu hĩnh.

Về mặt quản lý và doanh thu, HTX không bị ảnh hưởng nhiều khi xã viên “hợp tác” với taxi công nghệ, nhưng về lâu dài HTX mất quyền kiểm soát. Dần dần xã viên của ông cũng cảm nhận công ty công nghệ ngày càng “siết” như tăng tỉ lệ ăn chia và xử phạt gắt gao. Ông nhìn nhận phương thức gọi xe của các hãng taxi công nghệ là xu hướng phát triển tất yếu, đem lại nhiều tiện lợi và là nhu cầu của khách hàng. Thay vì HTX có thể ung dung hưởng lợi, thu “bạc cắc” và đẩy rủi ro cho xã viên khi hợp tác với taxi công nghệ. Ông quyết định đầu tư hệ thống đặt xe công nghệ cao, mang tên App “Hai Bảy Bảy” là ứng dụng gọi xe qua điện thoại thông minh. Đây là quyết định táo bạo đầy tâm huyết bởi vì về mặt công nghệ tuy không có vấn đề gì to tác nhưng để nuôi bộ máy vận hành thì khó khăn hơn vì đầu tư cho hệ thống kỹ thuật và chi phí cho bộ phận vận hành. Tuy sinh sau đẻ muộn, app Hai Bảy Bảy được khách hàng cũ càng ngày càng thích và thường xuyên sử dụng ứng dụng này khi đặt taxi.

Ông bảo trong kinh doanh phải biết người biết ta, các hãng taxi lớn có giá cước cao, còn taxi công nghệ thì có giá thấp hơn nhưng tăng giá lúc cao điểm, còn với taxi Hai Bảy Bảy luôn trung thành một giá cước chấp nhận được mọi thời điểm phục vụ khách hàng. Đây là một quan điểm bất di bất dịch của ông và HTX vì ông muốn mọi xã viên đều hiểu rằng “khách hàng là ân nhân”. Kiếm tiền là quan trọng, nhưng kiếm tiền lương thiện và bền vững mới quan trọng hơn.

Đời thường ngoài áo lính

Nhìn bề ngoài ông chủ nhiệm Phạm Quyết Chiến có vẻ khô khan, nhưng “chơi” với ông lâu ngày mới biết ông dễ gần, ham học hỏi. Ông tuổi Canh Dần, cầm tinh con cọp nhưng đôi khi cũng thích nói đùa!

Có bằng tú tài từ hồi chưa “nhảy đồng” (vào quân giải phóng năm 1968), sau này lấy bằng kỹ sư giao thông vận tải, nhưng lúc bỏ việc nhà nước năm 2000, đi làm cho công ty tư nhân, biết mình “dốt đặc cán mai” về tin học, ông âm thầm tự học để không “lạc hậu” với đàn em.

Có lần có người khen ông “một tay chèo chống nuôi sống bốn ngàn người” nhưng cũng ngầm ám chỉ thương tật của ông. Ông bèn kể chuyện vui: Lúc đó ta – địch đánh rát lắm, tao mệt quá mới định kêu bên kia nghỉ xả hơi một chút, vừa mới kêu “xí, nghỉ chút!”, mới giơ tay lên thì bị tụi nó quất nguyên băng đạn mới đi đứt cánh tay! Ông kể vui vậy để bảo rằng thành tích của HTX là của mọi người, ông chỉ là người tập hợp và được giao quyền chỉ huy. “Nói nhờ một tay tôi thì rõ ràng không công chính chút nào!”.

Tuy nhiên khi vào công việc ông quyết liệt như một người lính. Không chỉ “biết có tiến công” không thôi, ông còn phải cân nhắc nặng nhẹ để xã viên và nhân viên không chịu thiệt thòi.

Tôi nhỏ hơn ông mười sáu tuổi, được ông xem như một người bạn, một đứa em. Đôi khi ông gọi tôi tham gia các chuyến làm từ thiện lặng lẽ, không khoa trương. Nhưng thông thường vài hôm, được ông gọi tới ăn sáng ở một vài quán quen thuộc lanh quanh quận 11. Nhóm ăn sáng cũng chỉ vài ba người cao tuổi, quen biết lâu năm. Vui cũng vậy mà buồn cũng vậy. Quy tắc của nhóm là có thể tếu táo nhưng chừng mực, lớn - nhỏ phải trật tự chứ không được “lộn xộn”. Ai thích gì cứ gọi. Trà nước đơn giản, món ăn gọn nhẹ. Trò chuyện lan man, thỏa mái thân thiết. Ông gọi đó là giải stress. Có phải nhờ cá tính đó mà người thương binh – chiến sĩ an ninh quân báo T4 Phạm Quyết Chiến lừng danh năm nào vẫn giữ được bản chất kiên định đầy bản lĩnh, tận tâm chăm lo cho xã viên và luôn lạc quan vào những điều tốt đẹp trong hiện tại và cho cả tương lai…

VPĐD: 162 Tuệ Tĩnh, Phường 12, Quận 11, TP.Hồ Chí Minh

CN1: Số 54 Nguyễn An Ninh, P7, TP.Vũng Tàu, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

CN2: 216/7A Nguyễn Thị Minh Khai, KP.Liêu Chiêu, P.Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An, Tỉnh Bình Dương

CN3: 505 Tỉnh Lộ 2, Ấp Gia Bẹ, Xã Trung Lập Hạ, Huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh

CN4: 152 Trần Phú, Tổ 3, P.Nghĩa Đức, TX.Gia Nghĩa, Tỉnh Đắk Nông

CN5: Quốc Lộ 1, Số 9, Lộ Bao Bì, P10, TP.Mỹ Tho, Tỉnh Tiền Giang

CN6: A9/21C Đường Nguyễn Cửu Phú, Xã Tân Kiên, Bình Chánh

Điện Thoại: (028) 38 27 27 77 – 39 620 620 – Fax: (028) 3962 6192

Email: ctyhaibaybay@gmail.com – Website: www.haibaybay.com.vn