Banner Full width

Khi nào chấm dứt nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả?

Sáng ngày 14/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đầu năm 2025 đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương trong việc kiềm chế và xử lý tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần ổn định thị trường, hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế khi thời gian qua liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc nghiêm trọng như: sữa giả, thuốc giả, thực phẩm giả tại tại Hà Nội, Phú Thọ, Thanh Hóa,TP.HCM....

Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên mạng xã hội, cùng với hiện tượng thao túng thị trường, nâng giá bất hợp lý đã và đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng, an ninh trật tự và nguồn thu ngân sách nhà nước. Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên nhân một phần đến từ sự buông lỏng quản lý của một số cơ quan và địa phương.

img-e23311-dangg-1747210848.JPGÀnh minh họa

Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), trong những tháng đầu năm 2025, nền kinh tế vẫn duy trì đà tăng trưởng, kéo theo lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và phương tiện qua các cửa khẩu gia tăng. Công tác kiểm tra, kiểm soát đã ghi nhận hơn 34.000 vụ vi phạm bị phát hiện và xử lý, trong đó có trên 8.200 vụ liên quan đến buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại và thuế; và hơn 1.100 vụ liên quan đến hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, khởi tố hình sự gần 1.400 vụ với hơn 2.100 đối tượng.Tổng số tiền thu nộp vào ngân sách nhà nước đạt gần 4.900 tỷ đồng.

Trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, các hoạt động vận chuyển trái phép hàng cấm như, pháo, thuốc lá, vàng, xăng dầu, mỹ phẩm, thực phẩm… vẫn diễn ra phức tạp. Trong nội địa, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, hàng hóa vi phạm nhãn mác và hóa đơn chứng từ tiếp tục xuất hiện phổ biến tại nhiều tỉnh, thành và đặc biệt phổ biến trên môi trường thương mại điện tử.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng làm rõ nguyên nhân của những tồn tại hiện nay, xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan. Đồng thời, cần khẩn trương đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và quyết liệt để ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.