Và cũng vì để tránh máy bay, chúng tôi phải đi tàu đêm, đến ga Quán Triều khoảng bốn rưỡi năm giờ gì đó, vẫn còn ngái ngủ.

Bỗng trên loa phóng thanh của ga, Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài Nổi trống lên, Rừng núi ơi của Hoàng Vân. Tôi tỉnh ngủ hẳn và bị cuốn theo bài hát: “Ngày mai em vừa tròn hai mươi tuổi. Cô gái vùng cao xinh đẹp vô cùng…” Tôi cũng vừa bước vào tuổi hai mươi, lại lần đầu tiên lên rừng núi nên thấy thích thú vô cùng. Giai điệu hay, có âm hưởng của âm nhạc dân gian miền núi, lời hát lại mạch lạc, dễ nhớ nên tôi yêu thích bài hát rồi hát theo các ca sĩ hát trên đài mà có thể hát được bài này.

Với tôi, đó là một kỷ niệm đáng nhớ và không thể quên về một ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Vân.

May sao năm 2015, khi tôi đang điều trị ở khoa ngoại bệnh viện Việt Xô thì một tối thấy nhạc sĩ mà tôi yêu quý đang ngồi trên một chiếc ghế ở hành lang. Tôi đến chào hỏi và kể cho nhạc sĩ nghe về kỷ niệm của tôi. Ông nghe xong mỉm cười rồi cảm ơn (được kể cho ông nghe tôi thích lắm). Rồi trong câu chuyện, ông nói cho tôi biết thêm về khí nhạc, về ca khúc.

Thực ra không phải đến Nổi trống lên, rừng núi ơi bọn sinh viên chúng tôi mới biết về Hoàng Vân.

Khi học trường Trưng Vương cấp III, các bạn nam đã dựng tiết mục Hò kéo pháo, hát bè và làm động tác kéo pháo như kiểu kịch câm. Bài hát mạnh mẽ, gợi nhớ trận Điện Biên Phủ oai hùng nên lúc nào cũng cuốn hút.

Chúng tôi còn thuộc nhiều bài của ông, như Những cánh buồm (Thơ Hoàng Trung Thông) không chỉ đẹp mà còn kêu gọi thanh niên sống theo lý tưởng “đổi nhọc nhằn lấy những ước mơ, xây hạnh phúc trong mồ hôi nhằn lấy những ước mơ, xây hạnh phúc trong mồ hôi lao động… Tuổi thanh xuân ơi theo ánh mặt trời đi tới những chân trời của Tổ quốc mến yêu”.

Khó có thể kể hết được những bài hát hay và được yêu thích của Hoàng Vân bởi vì xúc cảm của ông phong phú, đề tài rộng lớn và ca từ gợi cảm xúc âm nhạc thì sinh động và không bao giờ ông lặp lại mình dù chỉ một giai điệu ngắn.

Đề tài lao động, ca khúc của Hoàng Vân được nhiều người hát như Bài ca xây dựng (Bạn đời ơi! Hãy tin, hãy yêu và hát cùng chúng tôi. Những người thợ xây tin yêu cuộc đời mới. Trong khói bom, trong ánh trăng, suốt bốn mùa. Tôi vẫn xây tiếng hát vui cho chúng tôi, tiếng hát vui cho các bạn… Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau).

Bài này phổ cập đến mức hồi bao cấp khi xếp hàng mua rau muống được kha khá trẻ em hát “cho ngày này, cho ngày mai, cho hai ngày sau” thật vui. Tôi là người thợ lò…sinh ra trên đất mỏ… (Bài hát gắn bó với sự khởi đầu của ca sĩ - NSND Quang Thọ), Tâm tình người thủy thủ, Bài ca người giáo viên nhân dân, Hát về cây lúa hôm nay…

Nhiều bài hát của Hoàng Vân về đấu tranh thống nhất và chiến đấu chống Mỹ đã trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu thể hiện trong các chương trình có chủ đề này.

Ví dụ như Hai chị em (Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh, Chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình, Hai chị em trên hai trận tuyến, anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang…), Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Tiếng cồng giải phóng, tiếng cồng chiến thắng, Người chiến sĩ ấy, Quảng Bình quê ta… Bài Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng âm nhạc reo vui rạng rỡ gắn với giọng nữ cao trong trẻo của ca sĩ Bích Liên luôn là niềm vui cho người nghe.

Chất liệu âm nhạc của các ca khúc của Hoàng Vân cũng phong phú. Ông chắt lọc những nét tinh tế của dân ca vùng miền đưa vào đem vẻ đẹp riêng cho ca khúc của mình, ví dụ như các bài Quảng Bình quê ta, Tình ca Tây Nguyên, Nổi trống lên, Rừng núi ơi…

Cố nhạc sĩ Hoàng Vân

Nhạc trữ tình - nếu có thể tách ra như vậy, bởi vì các chủ đề khác của ông cũng không ra khỏi “chất trữ tình” - có những bài được yêu.

Là người Hà Nội, ông viết về tình yêu của ông với thành phố quê hương trong bài Tình yêu Hà Nội… “Hà Nội của tôi trí tuệ xanh và con tim bốc cháy mà tỏa sáng trên con đường mà tôi bước đi”. Hà Nội là “một bản tình ca máu và hoa”, “và nơi đó có con người mà tôi mến yêu”. Ông đã nói hộ tình cảm của những người Hà Nội và những ai yêu Hà Nội. Nhớ là bài hát Hoàng Vân phổ nhạc bài thơ cùng tên của Nguyễn Đình Thi.

…Những bài hát viết cho thiếu nhi của Hoàng Vân cũng đáng yêu. Ca ngợi Tổ quốc vui vẻ, rộn ràng, bởi vậy những câu “nhờ có công lao cách mạng, mới có hôm nay sáng ngời, đời đời ghi nhớ ơn Đảng Cộng sản Việt Nam, nhớ ơn cách mạng và Bác Hồ” đi vào lòng người một cách mềm mại. Mùa hoa phượng nở, Em yêu trường em … ở trong số những bài hát thiếu nhi yêu thích. Ông đã viết Đường lên đỉnh núi cho chương trình Đường lên đỉnh Olympia vang lên mỗi chiều thứ bảy của cuộc thi này trên VTV3…

Nói đến sáng tác của Hoàng Vân không thể không nhắc đến các bài viết cho hợp xướng và phần tác phẩm khí nhạc - khá quan trọng và được đánh giá cao trong hơn 650 tác phẩm của ông. Đây là phần quan trọng của một nền âm nhạc.

Ông có những bài viết cho hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng như: Hồi tưởng; Việt nam muôn năm; Vượt núi; Tuổi lên mười; Hát dưới cờ búa liềm. Gần đây nhất là bản Đại hợp xướng Điện Biên Phủ (2004) đồ sộ. Bài này đã dược trình diễn trong đêm 10 tháng 6 năm 2005 tại Nhà hát lớn Hà Nội, do con trai ông, Lê Phi Phi, nhạc trưởng chính của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Macedonia chỉ huy cùng với Giao hưởng thơ số 1 Thành đồng Tổ quốc và Concerto cho piano và dàn nhạc.

Có thể kể một số tác phẩm khí nhạc khác của Hoàng Vân như: Fugue cho piano, Tổ khúc cho kèn Oboe và Piano, Rhapsodie cho violon, độc tấu flute Vui được mùa, Hoa thơm bướm lượn, concertino cho violon và dàn nhạc dây Tuổi trẻ và Tình yêu… Còn có Giao hưởng cho người lính số 2, Giao hưởng thơ số 3, Giao hưởng trữ tình số 4.

Ông có nhiều tác phẩm nhạc phim như trong các phim Chim vành khuyên, Nổi gió, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Khói trắng, Em bé Hà Nội, Mối tình đầu, Đất mẹ…

Hoàng Vân viết nhạc cho vũ kịch Chị Sứ, viết cho vở kịch Nila chú bé đánh trống trận.

Hoàng Vân tên khai sinh là Lê Văn Ngọ, sinh năm 1930. Từ 1946 ông đã tham gia Đội thiếu niên Mai Hắc Đế là liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục (Liên Khu I) Hà Nội. Rồi làm phụ trách Thiếu sinh quân; Tham gia Đội Tuyên truyền vũ trang Lao Hà, làm báo và công tác địch vận, phụ trách văn công sư đoàn 312.

Năm 1960 ông về chỉ huy dàn nhạc Đoàn ca múa nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam… tham gia giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội cho đến năm 1989.

Hoàng Vân đã từng được cử đi học ở Nhạc viện Bắc Kinh (Trung Quốc) sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc. Năm 1975, ông thực tập ở Nhạc viện Sophia (Bulgaria).

Hội tụ đủ các yếu tố: tài năng, xúc cảm, được rèn luyện trong cuộc chiến đấu của dân tộc, được đào tạo ở các nhạc viện nổi tiếng, Hoàng Vân đã để lại cho cuộc đời một gia tài âm nhạc đồ sộ, quý giá.

Hoàng Vân mất ngày 4 tháng 2 năm 2018.

Nguyễn Thị Nam