Khoảng 5 năm trước, tôi gặp Hiền vào thời điểm doanh nghiệp riêng của anh gặp khủng hoảng đến độ gần như phá sản. Cú sốc đó càng sốc hơn khi ngành hàng anh kinh doanh đang ăn nên làm ra. Thế thì thất bại đến từ đâu?

Hiền tự nghiêm túc nhìn lại để thấy nguyên nhân chính là từ sai lầm về quản trị, sai lầm khi ra quyết định dẫn đến mất quyền kiểm soát. Sai lầm này khiến cho sự nghiệp tích góp gần 20 năm dường như bốc hơi khiến anh mất tinh thần nghiêm trọng.

Sau này khi vụ vượt qua khủng hoảng, lấy lại tinh thần và năng lượng để khởi nghiệp lại, Hiền nhớ lại: “Tôi sinh ra vào thời điểm kinh tế gia đình sa sút, cha mẹ tôi phải chia ra hai nơi để kiếm tiền nuôi bầy con nhỏ. May nhờ mẹ tôi giỏi giang ngược xuôi buôn bán nuôi chúng tôi thành người. Có lẽ trong số anh em trong nhà, tôi ảnh hưởng cái “gen” của mẹ nhất nên quyết theo nghề kinh doanh…”

Con út trong một gia đình viên chức có đến 9 người con, Nguyễn Quang Hiền may mắn được cho ăn học thành tài. Tuy nhiên, sau khi lấy bằng kỹ sư xây dựng sau 4 năm dùi mài đèn sách ở Đại học Bách khoa TPHCM, ra trường Hiền về làm cho một công ty sản xuất mắt kính của Nhật Bản tại khu chế xuất Tân Thuận. Một trong những lý do để Hiền “bẻ lái” là mức lương tháng cao không tưởng 120 USD vào năm 1997.

z3725750324375-76dc2a1f0eca41aec00b3a725a1c7e35-1-1666424132.jpg
Ảnh: minh họa

Nhưng mức lương ấy không giữ chân Hiền lâu. Anh bảo: Có lẽ trong người tôi có một sự thôi thúc, ham kinh doanh hơn. Kinh doanh luôn có một chút phiêu lưu và cần có một chút mẫn cảm với thị trường. Hiền cảm nhận được điều đó và cho đó là nhờ “di truyền” từ Mẹ.

Mẹ Hiền –bà Ngọc Anh- chỉ là một người bán tạp hoá bình thường nhưng nhờ tài ăn nói có duyên và được truyền miệng là một chiêm tinh gia nghiệp dư. Bà cho biết, bà không biết gì về khoa bói toán, ban đầu xem cho bè bạn chơi cho vui. Sau này không biết sao trong linh cảm bà có cái gì đó mơ hồ lúc được lúc không, không nắm bắt được nhưng một số chuyện bà tiên đoán may mắn trúng thành lời đồn đãi để nâng bà thành “thầy”. Những năm tháng trước năm 1975, kinh tế gia đình bà ổn định. Việc bán tạp hoá đủ sống, còn bói bài chỉ cho vui.

Bà kể: Tôi và ông ấy cùng tuổi, tuổi Đinh Dậu (1937). Năm 17 tuổi, theo gia đình từ Phủ Lý - Hà Nam di cư vào nam làm nghề thợ may. Cũng năm ấy ông cũng từ Kiến Thuỵ - Hải Phòng vào làm lính thủ tướng Diệm đi đánh quân các giáo phái Nam Bộ. Nhưng chỉ chạm có vài trận thì bị thương ở cầu số 2 Hà Tiên. Vết thương không nặng lắm nhưng lâu lành và di chứng dai dẳng phải nằm viện suốt cả năm. Rãnh rỗi và tính còn trẻ năng động ông dành phần lớn thời gian theo phụ giúp y bác sĩ. Vốn là con trai chánh tổng, biết chữ Tây nên ông được bác sĩ điều dưỡng thương, chỉ dạy nhiều. Ông học được tính cẩn thận ngăn nắp từ đó.

202209100255-2-1666424211.jpg
Ảnh: minh họa

Trở lại đơn vị, vì sức khoẻ ông được làm việc văn phòng. Tình cờ làm sao chỗ ông đón xe đi làm hàng ngày đều gặp nhóm cô thợ may trẻ cũng hàng ngày đi qua. Trong nhóm có một cô gái xinh xắn ánh mắt tinh nghịch thường liếc nhìn ông. Trái tim chàng trai 18 bị sét đánh ngay lập tức. Chỉ vài tháng sau, chàng lính đẹp trai “cưa đổ” cô thợ may. Thế nhưng tình yêu của họ bị gia đình cô gái ngăn cản với lý do không cùng tôn giáo bởi bên gái theo đạo Phật còn nhà trai Công giáo toàn tòng. Phải đến năm hai mươi tuổi hai ông bà mới về bên nhau. Ba năm sau ông được “miễn dịch” ra dân theo nghề công chánh, nhưng lênh đênh trên biển miền tây, ông không chịu nổi. Thêm nỗi vợ ông có số “vượng phu ích tử” sồn sồn hai năm một. Để bà một mình cáng đáng cũng tội, ông xin nghỉ về lại Sài Gòn. Một thời gian sau xin được vào làm chân nhân viên văn phòng bộ Tổng tham mưu. Sau 30/4, ông đi học tập vài ngày rồi được về nhưng cũng từ đó gánh nặng kinh tế dồn hết lên vai bà.

Chín đứa con, con gái lớn nhất 17 tuổi, trai út mới một tuổi. Bà bắt đầu thực sự “buôn đầu chợ, bán cuối chợ”. Mất đâu vài năm, ông bà bàn nhau xẻ gánh: Ông dẫn cô con gái đầu có nghề giáo viên lên khu kinh tế mới Sông Buông: con dạy học, cha khai hoang dọn từng mét vuông trồng khoai củ kiếm chút tinh bột cho bầy con nheo nhóc ở Sài Gòn. Bà và 8 đứa nhỏ vẫn ở lại Gò Vấp, lúc đó tuyến đường sắt Thống Nhất bắt đầu chạy, bà quyết định “buôn nhảy tàu”.

Thời bao cấp “buôn nhảy tàu” là một nghề cực kỳ nguy hiểm, nhất là đối với phụ nữ. Giai đoạn này là thời kỳ khó khăn chung của cả nước cùng với chính sách ngăn sông cấm chợ càng tạo ra sự khan hiếm cực đoan, nhất là lương thực thực phẩm. Có sống qua thời điểm đó mới thấy hình ảnh tương phản giữa sự nhũng nhiễu lạm quyền của “dân quân du kích” đối lập với sự liều lĩnh của đám dân đói. “Đồ buôn lậu, dân nhảy tàu” là từ miệt thị dành cho những người buôn bán thực phẩm thiết yếu lương thiện như bà. Nhưng cũng nhờ “buôn lậu” gạo, mắm, cá thịt từ Phú Yên, Khánh Hoà… trở thành nguồn thu nhập chính nuôi sống cả gia đình. Vượt qua những lần khám xét vây ráp nhưng bà chưa bị tịch thu lần nào. Bà bảo: Có lẽ nhờ linh cảm, hôm nào cảm thấy nỗi bất an nào đó tôi thay đổi giờ giấc. Tuy điểm xuống hàng vẫn ở ga Gò Vấp gần nhà nhưng bà và lực lượng tuần tra vẫn lệch pha nhau như sự tình cờ.  Còn ông dù đi canh tác mẫu đất kinh tế mới lại nhàn nhã nhờ rành công việc hành chánh sổ sách giúp ban chủ nhiệm nên được bù lại công việc nặng nhọc.

a9e0d2cbcbe50fbb56f4-1666423920.jpg
Ảnh: minh họa

Nguyễn Quang Hiền tự hào: Dù học kỹ thuật nhưng tôi lại có đam mê kinh doanh. Như lúc đang làm cho hãng Nhật, tôi lại chọn rẽ ngang sang làm tiếp thị cho hãng Coca-Cola lương chỉ bằng 1/3 nhưng được hưởng thêm theo doanh thu! Sau đó anh lại theo hãng National (Panasonic bây giờ) một thời gian dài rồi thêm vài nơi khác. Làm chuyên môn nghiên cứu phát triển thị trường, bằng đam mê và kiến thức cùng một chút năng khiếu bẩm sinh, Hiền nhạy bén phát hiện ra thời điểm và phân khúc thị trường hấp dẫn. Nhưng rất tiếc anh không nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo một phần vì văn hoá kinh doanh của các hãng lớn đặt nặng sự ổn định và chắc chắn trong khi với Hiền chỉ dựa nhiều vào tính nhạy cảm, đánh hơi thời cơ mà không có luận cứ chắc chắn. Thất vọng rồi tiếc nuối khi nhìn thời cơ cứ lần lượt trôi tuột qua trước mặt, Hiền nung nấu ý định khởi nghiệp.

Khi tích luỹ một số vốn kha khá, Nguyễn Quang Hiền quyết định hùn vốn mở công ty riêng. Được chủ động quyết định kinh doanh, Hiền lao vào phát triển thị trường và gặt hái nhiều thành công, chinh phục một số khách hàng tiềm năng. Công việc tuy phát triển thuận lợi nhưng vì thiếu kinh nghiệm quản trị nên công ty liên tục gặp trục trặc nhất là về tài chánh, công nợ. Cú sốc đó làm anh suy sụp thật sự ngỡ không thể vượt qua. Đó là thời điểm anh tưởng như mình phải phá sản. May mắn thay, trong lúc khó khăn nhất, tấm gương đầy nghị lực của mẹ anh và sự động viên của gia đình là động lực để Hiền rút kinh nghiệm lấy lại tinh thần và năng lượng để khởi nghiệp lại.

Sau bài học đó, Hiền tự mình gầy dựng một công ty riêng và chú tâm học hỏi quản trị toàn diện hơn. Một câu châm ngôn đã dạy “Cái gì không đánh gục bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ thêm” thế nên dù khi mới vừa khởi nghiệp lại thì công ty của Nguyễn Quang Hiền lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19, nhưng Hiền vẫn vững vàng lèo lái doanh nghiệp đứng vững và vượt qua…

Giai đoạn khủng hoảng này cũng là khoảng thời gian anh đi tìm quên trong những chuyến hành hương. Nhóm bạn cùng Nguyễn Quang Hiền thường tổ chức những chuyến đi dã ngoại phối hợp thăm bà con vùng sâu. Nhóm bắt đầu quyên góp tặng các quỹ khuyến học, tặng quà cứu trợ và xây vài căn nhà tình thương.

Một lần ghé xóm đạo Fatima ở Hàm Tân thấy dân cư trong vùng dùng nguồn nước không sạch lắm trong sinh hoạt kể cả ăn uống, hỏi thăm mới biết đó là nguồn nước duy nhất. Đem điều này trao đổi với linh mục chánh xứ, cha Hạnh rất mừng, từ lâu ông mong đợi có nhà tài trợ xây vài hồ nước xi măng trữ sẵn nước sạch cho bà con dùng. Bàn tới bàn lui, Hiền nhận thấy nếu chỉ xây hồ nước chứa cũng chỉ giải quyết được vài tháng nên chi bằng làm luôn một hệ thống xử lý nước sạch, kinh phí xây dựng xấp xỉ 100 triệu đồng mà bà con có nước sạch xài quanh năm. Mức tài trợ này, Hiền và nhóm bạn có thể huy động được. Sau khi vận hành hệ thống xong, nhóm Hiền còn làm luôn hệ thống dẫn nước đến khu nhà chung trên cao. Nhắc đến công trình này, Nguyễn Quang Hiền rất vui vì đó là động lực để sau đó nhóm anh còn quyên góp xây thêm hai hệ thống lọc nước khác ở Đắc Lắc và Bình Thuận. Anh bảo: Đóng góp của nhóm anh so với các nhà hảo tâm khác có thể không bằng, nhưng theo anh góp được bao nhiêu thì giúp bấy nhiêu. Lòng hảo tâm xuất phát từ chân thành luôn mang một ý nghĩa thật đẹp. Điều đó cũng khiến anh luôn tin vào điều tốt đẹp trong đời.

z3724405672696-8cd527ed65a7887102216d7bb6d4d98c-1666424145.jpg
Ảnh: minh họa